Bản tin môi trường số 13/2023

Chủ nhật, 2/4/2023 | 18:17 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 739/QĐ-BTNMT về kế hoạch triển khai thực hiện Đề án những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26.

Triển khai nhiệm vụ về giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu tại COP26

Theo quyết định, kế hoạch đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể bao gồm: xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK); thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực, truyền thông; giám sát, đánh giá.

Thực hiện các giải pháp giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH

Trong các giải pháp thích ứng với BĐKH, Bộ TN&MT chỉ đạo tiến hành rà soát, cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thực hiện sáng kiến của Liên Hợp Quốc về “Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái”. Triển khai các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên (NbS), dựa vào hệ sinh thái (EbA) và dựa vào cộng đồng (CbA). Xây dựng hệ thống hỗ trợ ra quyết định (DSS) phục vụ giám sát, nâng cao hiệu quả quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; giám sát, điều hòa, phân phối tài nguyên nước…

Kế hoạch còn nêu rõ Danh mục nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc Bộ, ban hành kèm theo quyết định. Cụ thể, trong năm 2023, các đơn vị cần xây dựng Đề án triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác phát triển. Xây dựng thông tư hướng dẫn lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch. Đánh giá tác động của

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Rà soát, cập nhật Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cần có cách tiếp cận toàn diện trong quản lý rác thải bền vững

Mới đây, đại diện đoàn Việt Nam phát biểu tại phiên họp về “Không rác thải - giải pháp đột phá để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững” do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức.

"Không rác thải" là cách tiếp cận nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, xử lý rác thải trong một hệ thống tuần hoàn và khép kín, tài nguyên được tái sử dụng nhiều nhất có thể và hạn chế ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước.

Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa phát biểu tại phiên họp về “Không rác thải - giải pháp đột phá để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”

Theo Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam nhận thức rõ “không rác thải” là một giải pháp cụ thể trong ứng phó với BĐKH và đã thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, để đạt “không rác thải”, cần có cách tiếp cận toàn diện, toàn xã hội với sự tham gia của mọi thành phần, nâng cao nhận thức của nhà sản xuất và người tiêu dùng về vấn đề rác thải, khuyến khích người dân xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế và khu vực cũng vô cùng quan trọng, nhất là trong hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ để đảm bảo sản xuất, tiêu dùng bền vững, quản lý rác thải hiệu quả và thân thiện với môi trường, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Cộng đồng quốc tế cũng cần xem xét xây dựng một khuôn khổ pháp lý về quản lý và xử lý rác thải để đạt được mục tiêu “không rác thải”.

Dịp này, đại diện các cơ quan Liên Hợp Quốc và các nước cùng thống nhất về sự cần thiết phải xử lý rác thải hiệu quả hơn trong quá trình sản xuất và sử dụng các sản phẩm. Theo đó, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến quốc gia và khu vực về “không rác thải”, góp phần ứng phó với BĐKH, ô nhiễm môi trường và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đẩy mạnh hợp tác với Hàn Quốc về môi trường và ứng phó BĐKH

Đại diện Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Môi trường Hàn Quốc đã cùng thống nhất tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực môi trường, ứng phó BĐKH.

Cụ thể, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kum Han Seung mới đây tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai bên trong thời gian qua, nhất là trong các lĩnh vực như môi trường, đa dạng sinh học, BĐKH, khí tượng thủy văn, quản lý tài nguyên môi trường biển.

Thứ trưởng Lê Công Thành tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kum Han Seung

Tại buổi gặp mặt, hai bên thống nhất hợp tác triển khai quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu (EPR) đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2020; hướng dẫn phân loại rác tại nguồn và xử lý rác thải sinh hoạt theo hướng hiện đại; xử lý vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn của Việt Nam.

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kum Han Seung cho biết, Vụ Quản lý chất lượng không khí của Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Bộ TN&MT Việt Nam giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không khí. Bên cạnh đó, Tổng công ty chuyên quản lý tài nguyên nước Hàn Quốc (K-Water) sẽ giúp Việt Nam quản lý tài nguyên nước hiệu quả. Mặt khác, Hàn Quốc cũng luôn đồng hành cùng Việt Nam thực thi các biện pháp để giảm phát thải KNK, thích ứng với BĐKH.

Phương An