Sáng tạo công nghệ hiện đại phục vụ quan trắc sông Mekong

Thứ sáu, 31/3/2023 | 10:56 GMT+7
Trong hai ngày 30 và 31/3, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) phối hợp tổ chức cuộc thi dành cho sinh viên về tìm kiếm công nghệ hiện đại cho việc quan trắc sông Mekong, trong đó có nhiều đội thi đến từ các trường đại học của Việt Nam.

Cuộc thi được phát động nhằm phát triển các công nghệ bền vững và hiệu quả về chi phí để giám sát mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước sông Mekong. Đồng thời, khuyến khích sinh viên trẻ của các trường đại học tại 4 nước thành viên cạnh tranh sáng tạo phát triển các công nghệ với kỳ vọng có thể tận dụng được một số sản phẩm do các trường nghiên cứu, qua đó giảm bớt chi phí dành cho giám sát sông Mekong.

Theo ông Anoulak Kittikhoun, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, các giải pháp “cây nhà lá vườn” không chỉ có chi phí rẻ hơn mà còn giúp phát triển năng lực chuyên môn địa phương và mang lại những lợi ích khác như thúc đẩy niềm tin người dân khu vực sông Mekong có thể tự giải quyết các vấn đề trong khu vực thông qua đổi mới, sáng tạo về công nghệ.

Phát triển các công nghệ hiện đại cho việc quan trắc sông Mekong

Tham dự cuộc thi có 14 đội đến từ các trường đại học thuộc 4 quốc gia thành viên MRC gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, trong đó Việt Nam có 4 trường gồm Đại học Thủy lợi, Đại học Cần Thơ, trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tại cuộc thi, các đội tham gia phải hoàn thành nhiệm vụ phát triển công nghệ cảm biến đo xa để đo lường bốn chỉ số: mực nước, lượng mưa, độ ẩm đất và chất lượng nước. Ứng cử viên tham gia cuộc thi sẽ thiết kế một trạm phù hợp với địa hình, vị trí, thời tiết và chức năng của trạm; trạm có thể hoạt động dựa vào năng lượng mặt trời; có khả năng thu thập cũng như gửi dữ liệu đo từ xa từ trạm đến máy chủ theo thời gian thực. Các bộ cảm biến có thể lắp đặt trong các trạm riêng, ngoài trời trên các bờ sông hoặc ở các khu vực nông nghiệp.

Theo chương trình, 14 đội sẽ thuyết trình về ý tưởng, quy trình vận hành và công dụng của công nghệ của nhóm mình trong hai ngày 30 - 31/3. Ban tổ chức có trách nhiệm chọn ra 4 đội chiến thắng dựa trên các tiêu chí: độ chính xác, độ bền, hiệu quả chi phí và tính đổi mới.

Thông qua cuộc thi, ông Santi Baram, phụ trách Chiến lược và Quan hệ đối tác của Ban Thư ký MRC cho biết, các sinh viên đã đưa ra nhiều ý tưởng thể hiện sự hiểu biết và rất sáng tạo. Việc sống dọc theo sông Mekong càng giúp các sinh viên hiểu rõ hơn về những công nghệ cần áp dụng ở hạ nguồn sông, từ đó góp phần quan trắc sông hiệu quả hơn, có nhiều giải pháp thiết thực hơn trong việc bảo vệ sông.

Lễ trao giải cuộc thi sẽ được tiến hành vào chiều ngày 3/4. Sản phẩm của 14 đội sẽ được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Lào để lãnh đạo các nước MRC và quan khách tham dự Hội nghị cấp cao MRC tham quan. Đối với 4 đội chiến thắng, MRC sẽ lên kế hoạch phối hợp để triển khai các công nghệ vào thực tế trên dòng Mekong.

Việt Nga