Bản tin môi trường số 16/2021

Thứ hai, 11/10/2021 | 09:02 GMT+7
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030”.

Bảo vệ, phát triển rừng vùng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu

Đề án có mục tiêu là quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững, bao gồm diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bảo vệ và phát triển bền vững rừng vùng ven biển

Theo đó, nhiệm vụ trước mắt cần được thực hiện là bảo vệ rừng. Trong đó, chú trọng quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.

Bên cạnh đó, khôi phục và phát triển rừng, gồm trồng mới 20.000ha rừng; trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000ha. Đồng thời tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

Để thực hiện Đề án trên, Quyết định đã chỉ ra một số giải pháp như: rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống sa mạc hóa và suy thoái đất; cơ chế chính sách về khôi phục và phát triển rừng ven biển gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành…

Ngành khoáng sản phải đi đầu trong chuyển đổi số, phát triển công nghệ

Ngày 8/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã chủ trì và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản lần thứ 8 (AMMin8).

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của loài người trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và sử dụng thiếu bền vững nguồn tài nguyên quý giá này để phục vụ nhiều mục đích phát triển của con người đã làm thay đổi cảnh quan trái đất, góp phần đưa nhân loại đến thách thức nghiêm trọng của thời đại, đó là ô nhiễm môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng khí hậu.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị AMMin8

Bộ trưởng nói: “Đã đến lúc nhân loại cần đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ về những tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng thiếu bền vững của mình, kịp thời khắc phục những khiếm khuyết trong mô hình phát triển trước đây. Đây chính là cơ hội để ngành khoáng sản của chúng ta thực hiện chuyển đổi sang con đường phát triển chú trọng công nghệ khai thác, chế biến, gia tăng giá trị, thân thiên với môi trường, phù hợp với các xu thế toàn cầu như phát triển kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch”.

Ngành khoáng sản phải đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai, lưu trữ carbon tại những mỏ đã khai thác, góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa carbon của các quốc gia.

Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường Việt Nam cho rằng, tiêu chí minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi khoáng sản; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư phát triển cho ngành kinh tế khác, đầu tư cho tương lai bền vững của các thế hệ mai sau của Cộng đồng ASEAN.

Tái chế rác nhựa ở Việt Nam chưa đạt hiệu quả

Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa". Báo cáo chỉ ra rằng, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm. Nhưng, chỉ có 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế.

Rác nhựa ở Việt Nam bị thải bỏ bừa bãi và chỉ 33% trong số chúng được tái chế, thu gom

Theo đó, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỷ USD mỗi năm. Về mặt lý thuyết, nếu tất cả rác nhựa được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất thì tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở Việt Nam như: thiếu nhu cầu bền vững đối với nhựa tái chế tại địa phương; khả năng tiếp cận tài chính của đơn vị tái chế, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn cung phế liệu nhựa không đều và có rủi ro từ khu vực phi chính thức; không có tiêu chuẩn thiết kế để tái chế; hệ thống quản lý chất thải ưu tiên thu gom và xử lý hơn so với tái chế.

Mặt khác, Báo cáo cũng đã đề xuất 8 giải pháp và 29 hành động để Việt Nam giải phóng thêm giá trị vật liệu thông qua tái chế nhựa. Nổi bật trong số đó là: mở rộng quy mô ngành công nghiệp tái chế nội địa bằng cách cải thiện môi trường thuận lợi cho đầu tư của khu vực tư nhân; tăng cường năng lực quản lý rác thải; thiết lập "mục tiêu về hàm lượng tái chế" đối với các sản phẩm phổ biến đến tay người sử dụng; yêu cầu bắt buộc phải thực hiện các tiêu chuẩn "thiết kế để tái chế" đối với các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với bao bì...

Gia Bách