Cần thay đổi lối sống để giảm phát thải khí nhà kính

Thứ tư, 6/10/2021 | 15:21 GMT+7
Chính phủ các quốc gia thuộc nhóm các quốc gia có nền kinh tế lớn (G20) cần phải điều chính lối sống để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.

Một nghiên cứu mới được công bố từ Viện nghiên cứu Hot or Cool (Đức) chỉ ra rằng, tất cả các quốc gia G20 được phân tích trong nghiên cứu đều phát thải carbon trong lối sống vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo mục tiêu không phát thải năm 2050. Tuy nhiên, những chính sách mà các Chính phủ có thể thực hiện nhằm mở đường cho lối sống xanh hơn không chỉ tập trung vào việc thay đổi hành vi cá nhân mà còn dựa trên những lĩnh vực khác thì mới có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải.

Theo báo cáo mới nhất về “lối sống 1,5 độ C” của Viện nghiên cứu Hot or Cool, carbon phát thải từ lối sống của 9 quốc gia thuộc G20: Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Phần Lan cho thấy mức phát thải đáng kinh ngạc và xác định những thay đổi cần thực hiện để đạt được mục tiêu nhiệt độ theo Thỏa thuận Paris.

Lối sống 1,5 độ C được đánh giá trong 6 lĩnh vực gồm: thực phẩm, nhà ở, phương tiện giao thông cá nhân, hàng hóa, giải trí và dịch vụ. Báo cáo phân tích mức độ phát thải carbon trong lối sống trên bình quân đầu người hiện tại ở mỗi quốc gia và đề xuất các giải pháp để làm giảm phát thải trong lối sống nhằm hướng tới mục tiêu giữ mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C.

Thực hiện lối sống không phát thải carbon từ những hành động thân thuộc nhất trong cuộc sống hàng ngày

Để đạt được mục tiêu đề ra tới năm 2050 trong Thỏa thuận Paris, các quốc gia có thu nhập cao cần giảm phát thải hơn 90% (91 - 95%) trong lối sống, các quốc gia có thu nhập trên trung bình cần giảm 68 - 86%, các quốc gia có thu nhập trung bình thấp hơn như Ấn Độ cần giảm phát thải 76%.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhấn mạnh vào sự bất cân bằng và khác biệt lớn về lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến lối sống giữa các nền kinh tế được phân tích. Cụ thể, trung bình một người ở Canada có lối sống phát thải nhiều gấp 6 lần so với một người ở Indonesia, trở thành quốc gia có mức phát thải bình quân đầu người cao nhất trong số các nền kinh tế được nghiên cứu.

Báo cáo chỉ ra rằng, việc thiếu các chính sách hỗ trợ có thể là nguyên nhân cản trở mọi người lựa chọn lối sống phù hợp với mục tiêu 1,5 độ C. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị cụ thể về việc các quốc gia có thể thực hiện những thay đổi như thế nào đối với cơ sở hạ tầng giao thông công cộng và nhà ở, cho đến việc kêu gọi cấm chủ nghĩa tiêu thụ nhiều carbon như sử dụng du thuyền lớn; các chính sách, biện pháp can thiệp thị trường có thể được thực hiện ở quy mô trong nước và quốc tế nhằm hạn chế phát thải carbon trong lối sống.

Tiến sĩ Lewis Akenji, tác giả chính của báo cáo cho biết: Thay đổi lối sống là một vấn đề nóng đối với các nhà hoạch định chính sách. Báo cáo này mang đến một cách tiếp cận mới dựa trên khoa học và cho thấy nếu không giải quyết vấn đề lối sống, chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Theo Tiến sĩ Kazuhiko Takeuchi, Chủ tịch Viện Chiến lược môi trường toàn cầu (IGES), báo cáo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia đã cam kết không phát thải cần phải cho thấy những thay đổi trong lối sống. Sự hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan, người dân, doanh nghiệp và các khu vực công nhằm thực hiện thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng giúp thực hiện thành công các cam kết không phát thải.

Phương An