FAO: Tình trạng của tài nguyên đất và nước đang ở mức báo động
Nếu thế giới tiếp tục theo quỹ đạo hiện tại, sản xuất thêm 50% lượng lương thực cần thiết, có thể làm tăng 35% lượng nước rút khỏi nguồn nước mặt hoặc nước ngầm cho nông nghiệp. Điều đó có thể tạo ra những thảm họa về môi trường, gia tăng sự cạnh tranh về tài nguyên và tạo ra những thách thức, xung đột mới trong xã hội.
Sử dụng tài nguyên đất và nước không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí nghiêm trọng
Hiện nay, sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp. Mặc dù, hơn 95% lương thực được sản xuất trên đất liền nhưng vẫn có rất ít khả năng để mở rộng diện tích có thể tạo ra năng suất cao hơn.
FAO cho rằng, việc mở rộng quy mô công nghệ và đổi mới là rất quan trọng để giải quyết những thách thức này. Thế giới cần tăng cường các hệ thống kỹ thuật số cung cấp dữ liệu cơ bản, thông tin và các giải pháp dựa trên khoa học cho nông nghiệp.
Quản lý đất đai và nước phải toàn diện và thích ứng hơn để mang lại lợi ích cho hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và đang đối mặt với tình trạng mất an toàn thực phẩm lớn nhất.
Ban hành kế hoạch thực hiện đề án quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ban hành Quyết định số 2436/QĐ-BTNMT thực hiện Quyết định phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.
Tăng cường quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam
Theo đó, tại Quyết định số 2436/QĐ-BTNMT, Bộ TN&MT ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định về đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam của Thủ tướng. Trong đó, Bộ tiến hành rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành các văn bản có nội dung liên quan đến quản lý chất thải nhựa. Tổng cục Môi trường có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi nilon thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Vụ Pháp chế khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hợp tác công tư, mô hình kinh doanh với sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa thu hồi năng lượng.
Bên cạnh đó, Bộ TN&MT phân công triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa. Bao gồm: định hướng tuyên truyền trong ngành TN&MT về tăng cường phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa; phát động phong trào thi đua về giảm thiểu sử dụng nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy và hàng hóa chứa vi nhựa; phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa.
Gắn vấn đề quản lý rác thải nhựa với sức khỏe con người
Mới đây, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) cùng 3 đối tác: Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Mạng lưới sức khỏe các trường đại học Việt Nam (VOHUN), Công ty TNHH Tích hợp hệ thống quản lý quốc tế (Gimasys) tổ chức lễ công bố thành lập “Đối tác hành động về nhựa và sức khỏe” (PHA). Chương trình được thành lập nhằm kết nối các sáng kiến hiện nay về nhựa và sức khỏe, hỗ trợ việc huy động nguồn lực về kỹ thuật và tài chính, chia sẻ các kinh nghiệm triển khai, góp phần vào quá trình vận động chính sách liên quan đến chất thải nhựa và sức khỏe, tăng cường hiệu quả của các sáng kiến liên quan.
Gắn vấn đề môi trường, xử lý rác thải nhựa với sức khỏe
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE đánh giá: Giải quyết ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan, các cơ quan Chính phủ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Việc thành lập PHA là cơ hội để huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm giảm tác động của chất thải nhựa đến sức khỏe con người.
Tại buổi lễ, bà Christine Gandomi, Giám đốc Phòng Năng lượng và Môi trường, USAID Việt Nam hy vọng rằng, sự thành lập của PHA sẽ đánh dấu khởi đầu mới trong hợp tác, trao đổi kiến thức, thông tin cũng như thực hành tốt các liên quan đến ô nhiễm rác thải nhựa. PHA sẽ là một trong những mối quan hệ đối tác đầu tiên tập trung vào nhựa và tác động của nhựa đến sức khỏe con người. Những trao đổi từ PHA sẽ giúp chúng ta cùng nhau giải quyết các vấn đề phát triển cấp bách tại Việt Nam.