Bản tin môi trường số 26/2022

Thứ hai, 11/7/2022 | 09:00 GMT+7
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước

Mục tiêu của công tác đảm bảo an ninh nguồn nước và hồ đập là bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý. Chủ động tích trữ, điều hòa nguồn nước, khai thác, sử dụng hiệu quả đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

Sửa chữa, nâng cấp bảo đảm an toàn các đập, hồ chứa nước, cung cấp đủ nước sạch cho người dân

Do đó, Bộ Chính trị đã phê duyệt một số nhiệm vụ, giải pháp về an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong giai đoạn tới. Bao gồm: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới; hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thủy lợi, tài nguyên nước và điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước.

Chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước; tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước.

Ưu tiên bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn

Một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 là dành nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn (RNM).

Để triển khai Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia đã đề ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc phải thực hiện trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Phần lớn các quốc gia đã nộp mới hoặc cập nhật NDC đều nhấn mạnh và cam kết ưu tiên bảo vệ và phát triển RNM như một giải pháp chính sách, tài chính và kỹ thuật quan trọng hàng đầu.

Theo đó, thời gian tới, ngành lâm nghiệp hướng đến đẩy mạnh công tác trồng RNM; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, nâng cao giá trị ĐDSH, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng, tăng năng suất của rừng để nâng cao giá trị bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) của RNM.

Trồng rừng ngập mặn hướng đến thị trường carbon giá trị cao

Một hướng đi về lâu dài khi bảo tồn và phát triển RNM là tham gia thị trường tín chỉ carbon. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, chuyên gia tổ chức Cifor, các nghiên cứu quốc tế cho thấy, khả năng hấp thụ carbon của RNM vượt trội hơn so với rừng trên cạn, gấp 4 - 10 lần tùy trữ lượng carbon và tùy địa hình khác nhau.

Bên cạnh đó, thế giới đã hình thành khái niệm “thị trường carbon giá trị cao”, lấy yếu tố bảo tồn ĐDSH là cốt lõi. Điều này có nghĩa, nếu khu RNM hướng đến mục tiêu hấp thụ carbon, đồng thời tạo ra những giá trị gia tăng về bảo tồn ĐDSH, đảm bảo tác động về xã hội như tạo sinh kế cho người dân, giảm tình trạng di cư do biến đổi khí hậu… thì tín chỉ carbon từ khu rừng ấy sẽ có giá trị cao gấp hàng chục lần rừng thường.

Với lợi thế về diện tích RNM và chất lượng rừng thuộc hàng tốt trên thế giới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để gia tăng nguồn thu nhập từ thị trường carbon liên quan đến RNM.

Hợp tác Mekong - Lan Thương hướng đến phát triển bền vững, phòng chống thiên tai

Mới đây, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao hợp tác Mekong - Lan Thương (MLC) lần thứ 7 đã diễn ra với các nội dung liên quan đến tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, giao lưu giữa các nền văn minh MLC.

Hội nghị đã nhấn mạnh các nguyên tắc hợp tác đồng thuận, bình đẳng, tham vấn lẫn nhau, chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế; đồng thời nhất trí thúc đẩy hợp tác MLC theo hướng củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên, xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững 2030.

Tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, phát triển bền vững thông qua hợp tác Mekong - Lan Thương

Đặc biệt, hội nghị đã thông qua thông cáo báo chí chung và 4 tuyên bố chung về tăng cường hợp tác nông nghiệp, phòng chống thiên tai, hải quan và tạo thuận lợi thương mại, giao lưu giữa các nền văn minh MLC.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong giai đoạn hậu đại dịch, các nước thành viên cần bảo đảm MLC phát triển theo hướng thiết thực, lấy vấn đề tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững làm ưu tiên hàng đầu, đem lại lợi ích thực chất cho người dân.

Gia Bách