Bản tin môi trường số 29/2022

Thứ hai, 1/8/2022 | 09:26 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050

Đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp.

Theo đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, về thích ứng với biến đổi khí hậu, Chiến lược phấn đấu giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch

Về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, Chiến lược phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tích cực đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất; nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đặt ra nhiệm vụ cần phải nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế - xã hội, bảo đảm sinh kế bền vững như: ngăn chặn tình trạng suy giảm, suy thoái, phục hồi các nguồn tài nguyên; xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu và có giá trị gia tăng cao; quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên hiện có...

Liên Hợp Quốc hướng dẫn bảo vệ trẻ em di cư do biến đổi khí hậu

Mới đây, Liên Hợp Quốc cùng các đối tác đã công bố hướng dẫn để bảo vệ và trao quyền cho các trẻ em phải rời bỏ nhà cửa do biến đổi khí hậu.

Theo Liên Hợp Quốc, gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên thế giới sống ở 33 quốc gia đang chịu nhiều tác động xấu của biến đổi khí hậu. Chỉ riêng năm 2020, khoảng 10 triệu trẻ em đã phải di dời do gặp các cú sốc liên quan đến khí hậu. Các đối tác cũng cảnh báo sẽ có hàng triệu trẻ em nữa có thể bị buộc phải chuyển đi trong những năm tới.

Các đối tác chỉ ra rằng, hiện tại hầu hết các chính sách di cư liên quan đến trẻ em đều không xem xét các yếu tố về khí hậu và môi trường, thậm chí hầu hết các chính sách về biến đổi khí hậu đều bỏ qua các nhu cầu riêng của trẻ em.

Trẻ em là đối tượng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu

Tổng giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế Antonio Vitorino nhấn mạnh: "Với những nguyên tắc hướng dẫn này, chúng tôi muốn đảm bảo thể hiện được nhu cầu và quyền của trẻ em, cả trong các cuộc tranh luận chính sách cũng như xây dựng kế hoạch. Quản lý di cư và giải quyết tình trạng trẻ em di cư trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và thảm họa là một thách thức lớn mà chúng ta cần phải giải quyết ngay bây giờ”.

Hướng dẫn gồm một bộ 9 nguyên tắc đề cập đến tình trạng dễ bị tổn thương của trẻ em trai và trẻ em gái bị di dời do biến đổi khí hậu dù trong hay ngoài biên giới.

Các nguyên tắc hướng dẫn của Liên Hợp Quốc cùng các đối tác cung cấp cho các địa phương và chính quyền quốc gia, tổ chức quốc tế và nhóm xã hội cơ sở để phát triển các chính sách bảo vệ quyền trẻ em.

Thúc đẩy vai trò của các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Ngày 28/7, Hội nghị các Nhà khoa học trẻ ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) diễn ra với sự tham gia của 200 nhà nghiên cứu khoa học trẻ đến từ các viện, trường, các đơn vị quản lý trong và ngoài ngành.

Đây là lần đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức một sự kiện đặc biệt dành riêng cho các nhà khoa học trẻ với kỳ vọng truyền cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng thuộc 9 lĩnh vực ngành vào thực tế. Tại đây, các nhà khoa học trẻ chủ động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phục vụ công tác quản lý ngành, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học trong giới trẻ góp phần phát triển ngành TN&MT

Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm đánh giá, chuyển đổi số đang trở thành vấn đề tất yếu, sống còn của mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp... trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Riêng với lĩnh vực dự báo khí tượng thủy văn, Trung tâm đã sử dụng hệ thống dữ liệu lớn (big data), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)  trong nhận dạng xoáy thuận nhiệt đới tương tự trong quá khứ để đưa ra các kịch bản tác động, từ đó chủ động ứng phó.

Tại hội nghị, Bộ TN&MT cũng đã ra mắt Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ ngành TN&MT. Câu lạc bộ được thành lập với mong muốn xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học trẻ trong ngành TN&MT và các nhà khoa học trẻ ngoài ngành đã, đang có các công trình nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của Bộ TN&MT vì sự phát triển bền vững.

Mộc Trà