Chống xói lở, nước biển dâng tại Đà Nẵng

Thứ năm, 5/1/2023 | 13:45 GMT+7
Trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thành phố Đà Nẵng đang tích cực triển khai các kế hoạch, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và vùng bờ.

Theo Chi Cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Hà, 90km bờ biển Đà Nẵng đã và đang chịu ảnh hưởng và tác động của tình trạng nước biển dâng, triều cường do biến đổi khí hậu. Từ số liệu quan trắc vệ tinh và quan trắc tại trạm hải văn Sơn Trà, mực nước biển qua từng năm đều tăng, tăng trung bình 2,55mm/năm.

Thực tế, người dân Đà Nẵng đang gánh chịu nhiều hậu quả của nước biển dâng, điển hình là tình trạng nhiễm mặn ở sông Cẩm Lệ; một số vị trí bờ biển dọc đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp bị xói lở; sóng biển hất nhiều cát và rác bồi lấp trên mặt đường qua các đợt mưa bão; các cửa xả nước mưa ra biển bị ảnh hưởng, hư hại, bồi lấp, ảnh hưởng đến công tác chống ngập úng các khu dân cư; sạt lở bờ sông xảy ra ở nhiều đoạn dọc các tuyến sông chính gồm cửa sông Hàn và sông Cu Đê.

Bên cạnh ảnh hưởng của nước biển dâng và tổn thương do thiên tai, đô thị ở Đà Nẵng còn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước cấp cho hoạt động kinh tế và sinh hoạt đô thị, đặc biệt vào mùa ít mưa. Để đảm bảo nguồn nước cho thành phố, Đà Nẵng sẽ sớm vận hành Nhà máy nước Hòa Liên và sớm hoàn thành thi công dự án nâng công suất trạm bơm phòng mặn An Trạch từ 210.000m3/ngày lên 420.000m3/ngày.

Chống xói lở ven bờ, nước biển dâng do biến đổi khí hậu

Mặt khác, xu hướng mưa cực đoan, triều cường, nước biển dâng, sóng lớn ven bờ... dễ gây nguy cơ ngập úng trong đô thị trên diện rộng, đòi hỏi thành phố phải có giải pháp thoát nước trên bề mặt để giảm ngập, xói lở các công trình. Do đó, thời gian tới, các ngành cũng cần nghiên cứu việc tổ chức thoát nước trên bề mặt cho đô thị thành phố Đà Nẵng.

Theo Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng Hà Văn Thành, trong một số lần xảy ra triều cường có mức thấp, công ty vẫn có thể đóng cửa ngăn triều để vận hành trạm bơm chống ngập cho khu vực thượng lưu; nhưng khi đã ngập lớn do triều cường thì chưa có giải pháp hữu hiệu nên công ty cần các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan chuyên môn hỗ trợ nghiên cứu giải pháp chống ngập.

Theo Chi cục Biển và Hải đảo, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, nhiều năm qua, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ với các biện pháp tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thành phố đã củng cố hơn 6.500m đê biển để bảo vệ và tiết kiệm được hơn 400ha đất, nhất là đất nông nghiệp; triển khai các công trình, giải pháp phòng, chống xâm nhập mặn do nước biển dâng...

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt và công bố danh mục 21 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước tại các khu vực ven biển và góp phần quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên, môi trường vùng ven bờ với chiều dài 73,9km; phê duyệt Kế hoạch ứng phó sạt lở bờ biển trên địa bàn đến năm 2025, huy động nguồn lực đầu tư bổ sung kè để bảo vệ hạ tầng và cảnh quan dọc bờ biển với tổng chiều dài 1.255m, trong đó có 2 đoạn bờ biển bị sạt lở nặng.

Ngành kiểm lâm thành phố cũng đang có kế hoạch phát triển, trồng rừng phòng hộ ven biển với diện tích quy hoạch 362ha, sẽ được triển khai vào mùa trồng rừng hàng năm.

Lam An (T/H)