Châu Âu tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong phát triển xanh, giảm phát thải
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, ngay sau khi Hội nghị thượng đỉnh COP26 kết thúc, EuroCham đã xây dựng các chương trình mục tiêu phát triển và thể hiện cam kết mạnh mẽ của mình trong việc đồng hành cùng nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, ít phát thải carbon hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050. Cụ thể, EuroCham đã triển khai sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao và triển lãm kinh tế xanh (GEFE 2022) thu hút hơn 200 doanh nghiệp của châu Âu tham gia triển lãm.
Chủ tịch EuroCham trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà về vấn đề hợp tác giảm phát thải, phát triển kinh tế xanh
Ông Alain Cany chia sẻ thêm, thông qua GEFE 2022, Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn, công nghệ hiện đại trong việc phát triển kinh tế xanh, bền vững. Phía EuroCham cùng các doanh nghiệp thành viên cũng sẵn sàng hỗ trợ, đóng góp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách để phát triển trong thời gian tới.
Trao đổi với ông Alain Cany, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ TN&MT Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Phái đoàn EU tại Việt Nam, EuroCham để chuẩn bị, tham gia các nội dung trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, cũng như những nội dung đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đồng thời mong muốn EuroCham tiếp tục có những phản hồi và đóng góp ý kiến cho quá trình hoàn thiện thể chế chính sách về tài nguyên và môi trường, có phản ánh kịp thời về những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam.
Lấy con người làm trung tâm để ứng phó với các thách thức về khí hậu
Mới đây, Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77 đã tiến hành phiên thảo luận về biến đổi khí hậu, môi trường, đa dạng sinh học.
Tại đây, Việt Nam đã kêu gọi cách tiếp cận toàn diện giải quyết các thách thức liên quan. Cụ thể, phát biểu tại phiên họp, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các nước cần đảm bảo có những tiến triển thực chất trong thực hiện các cam kết quốc tế; cần lấy con người làm trung tâm để ứng phó với các thách thức về khí hậu và môi trường, tôn trọng nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng nước, đảm bảo cân bằng nguồn tài chính cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa phát biểu tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77
Để biến các cam kết thành hành động, đại diện Việt Nam khuyến nghị các nước, ở cấp quốc gia, tiếp tục xây dựng và lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học vào các khuôn khổ pháp lý, chính sách và kế hoạch hành động liên quan. Ngoài ra, các nước cũng cần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để hình thành lối sống thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.
Dịp này, đại diện Việt Nam nêu bật các nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các biện pháp toàn diện và cụ thể nhằm thực hiện các cam kết khí hậu, bảo vệ môi trường; cũng như sửa đổi và thông qua các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện thể chế pháp lý, cập nhật Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Ứng phó với ô nhiễm nhựa và bảo vệ hệ sinh thái biển
Tại Hội nghị Liên Chính phủ lần thứ 25 (IGM-25), phần thứ hai của Cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA), các đại biểu tham dự đã cùng thống nhất hành động khẩn cấp, tìm ra các giải pháp hữu hiệu để đối phó với ô nhiễm nhựa và những thách thức khác đối với hệ sinh thái biển và ven biển.
Trong khuôn khổ phiên làm việc, các đại biểu đến từ 9 nước thành viên đã thảo luận, rà soát chính sách quy hoạch không gian biển và vùng bờ; phân tích tình hình các khu bảo tồn biển trên các vùng biển Đông Á; xây dựng khung cho các hệ sinh thái biển và ven biển và Nhóm công tác hệ sinh thái biển và ven biển; cập nhật về các hoạt động toàn cầu bao gồm: Khung đa dạng sinh học toàn cầu, Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, Hệ sinh thái biển và ven biển của UNEP; theo dõi và rà soát các các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến đại dương; tăng cường khung thể chế của COBSEA...
Các đại biểu tham dự Hội nghị Liên Chính phủ lần thứ 25, phần thứ hai của COBSEA
Hội nghị đã khẳng định được tính tích cực trong thực hiện nghiêm túc các cam kết của mỗi nước nhằm tăng cường công tác chống ô nhiễm trên đất liền và biển, như rác thải đại dương, ô nhiễm phú dưỡng (dư thừa hàm lượng nitơ và phốt pho trên biển); đồng thời, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển.
Hội nghị cũng là dịp để khẳng định lại sự ủng hộ, sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam vào các sáng kiến khu vực và toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, kinh tế biển xanh, quy hoạch không gian biển và ven biển, các khu bảo tồn biển.
Trong khuôn khổ hội nghị, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng chủ trì cuộc họp tham vấn với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế có liên quan về thiết lập công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa nhằm chuẩn bị cho sự tham gia của Việt Nam tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ tại Uruguay sắp tới.