Bản tin môi trường số 6/2022

Thứ hai, 21/2/2022 | 09:15 GMT+7
Mới đây, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans đã vừa gặp mặt và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà.

EU hợp tác hỗ trợ Việt Nam giảm phát thải và thích ứng biến đổi khí hậu

Tại buổi làm việc, ông Frans Timmermans cho biết, Liên minh châu Âu (EU) rất ấn tượng với vai trò và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) cũng như lập trường của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15).

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans về công tác bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu mong muốn được lắng nghe những quan điểm, mục tiêu cũng như những khó khăn mà ngành TN&MT gặp phải nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung về việc triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tiến trình Cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon và COP15...

Cảm ơn sự quan tâm từ phía EU, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động trọng tâm nhằm thực hiện kết quả đạt được tại Hội nghị COP26 như: tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu; điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực đưa phát thải về “0” vào năm 2050, Việt Nam đã xem xét đề ra chính sách để loại bỏ năng lượng hóa thạch và thúc đẩy phát triển mạnh điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, điện gió trên đất liền; điều chỉnh lại các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh; xây dựng lộ trình để nhanh chóng chuyển đổi phương tiện giao thông sang sử dụng điện. Bộ TN&MT sẽ chủ trì cập nhật NDC trong năm 2022 phù hợp với mục tiêu đã cam kết.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Chủ tịch COP26

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà mới đây đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của ông Alok Kumar Sharma, Chủ tịch COP26.

Trong buổi tiếp đón đoàn công tác của Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, COP26 được tổ chức hết sức thành công, đã kích hoạt được sự quan tâm trở lại của thế giới đối với vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH). COP26 đã đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có các cam kết của nhiều quốc gia về mức phát thải bằng “0” vào giữa thế kỷ, bảo đảm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; loại bỏ dần năng lượng hóa thạch; phát triển năng lượng sạch; giảm phát thải metan; cơ chế thị trường và phi thị trường thực hiện NDC…

Ông Alok Kumar Sharma cho biết, ngay sau khi COP26 kết thúc, chính phủ Vương quốc Anh đã đưa ra các chiến lược của mình, ông mong muốn Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin thêm cho đoàn về các hoạt động triển khai các kết quả tại COP26.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma

Thông tin tới Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan. Ban chỉ đạo đã họp và đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới gồm: đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; hạ tầng xây dựng và giao thông; nông, lâm nghiệp và sử dụng đất; TN&MT; thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; an sinh xã hội, chuyển đổi công bằng; ngoại giao khí hậu.

Cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin tới Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma về một số dự thảo, định hướng từng bước chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch; bảo vệ rừng và môi trường; tái tạo rác thải…

Số lượng sinh vật biển giảm mạnh nếu nền nhiệt trái đất ấm lên

Tạp chí Hiệp hội sinh thái học Mỹ (ESA) đã công bố kết quả một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học thuộc Đại học Queensland (Australia) về tầm ảnh hưởng của BĐKH đến sự thay đổi, biến mất của các loài sinh vật biển.

Cụ thể, nhóm các chuyên gia thuộc Đại học Queensland đã hoàn tất danh sách hơn 45.000 loài sinh vật biển đang bị đe dọa do tình trạng ấm lên toàn cầu và các nhân tố khác liên quan đến môi trường.

Nhìn chung, ô nhiễm do các chất vô cơ và nhiệt độ nước tác động đến nhiều loài nhất, lần lượt ảnh hưởng tới 31% và 27% trong tổng số 45.000 loài.

BĐKH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài sinh vật biển

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ ấm lên trong môi trường biển dẫn đến nhiều thay đổi từ sự phân bổ về giới, mật độ tập trung của các loài, tới việc làm sinh sôi nhanh chóng các loại vi khuẩn, vi trùng nguy hiểm đe dọa sự sống của các loài động vật biển, kéo theo đó là những hệ lụy tới sức khỏe con người do tiêu thụ các loại thực phẩm biển nhiễm bệnh.

Qua nghiên cứu, các chuyên gia về khí hậu nhận thấy rằng, khi nhiệt độ tăng cao sẽ làm chậm sự hòa trộn giữa bề mặt của vùng nước ấm và nước mát. Việc này sẽ giúp sản sinh ra nhiều oxy ở dưới mặt nước.

Sự phân tầng đại dương này có nghĩa là lượng nước ít hơn ở phía dưới đại dương sẽ dâng lên bề mặt mang theo oxy và các chất dinh dưỡng, trong khi nước ở trên bề mặt đại dương hấp thu ít khí carbon dioxde hơn để đẩy chúng xuống dưới đại dương. Đây là tin xấu với các sinh vật biển. Tình trạng này còn dẫn đến việc nhiều cơn bão lớn xuất hiện, gây tuyệt chủng hàng loạt các loài.

Lâm Bảo