Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 18/2021

Thứ hai, 17/5/2021 | 09:10 GMT+7
Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận mới đây đã lắp thành công trụ tuabin đầu tiên.

Lắp đặt thành công trụ tuabin đầu tiên dự án điện gió Tân Thuận 

Dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận được xây dựng trên khu vực biển có diện tích hơn 2.000 ha thuộc xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, dự kiến bổ sung cho hệ thống điện quốc gia sản lượng khoảng 220 triệu kWh/năm.

Đây là trụ tuabin đầu tiên trong số 18 tuabin điện gió của dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận (75MW), bao gồm: giai đoạn 1 (25MW) và giai đoạn 2 (50MW) do Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) làm tổng thầu EPC. Toàn bộ các thiết bị tuabin gió của nhà máy được cung cấp bởi Công ty TNHH Siemens Gamesa Renewable Energy với tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả hoạt động lâu dài.

Cột tuabin đầu tiên được vận chuyển tới vị trí móng số 1

Toàn cảnh buổi lắp đặt cột tuabin đầu tiên của dự án Nhà máy điện gió Tân Thuận

Với sự hỗ trợ tối đa của các phương tiện máy móc hiện đại, việc lắp đặt trụ tuabin điện gió đầu tiên đã hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế. Đây là cột mốc quan trọng của dự án trên hành trình phấn đấu đưa nhà máy vào vận hành trước 31/10/2021.

Bắt đầu triển khai từ 1/2020, mặc dù phải đối mặt với những biến động của thời tiết và điều kiện làm việc khắc nghiệt, địa hình địa chất phức tạp, cùng những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đội ngũ kỹ sư và công nhân PECC2 đã hoàn thành được các hạng mục xây dựng móng tuabin quan trọng, bao gồm 97% phần thi công cọc; gần 65% công tác đổ bê tông và hoàn thiện móng tuabin; hoàn thành phần lớn công tác xây dựng phần đường dây truyền tải điện. Đơn vị đang tiếp tục phấn đấu đạt tiến độ đóng điện, vận hành và chạy thử (commissioning) cho Nhà máy điện gió Tân Thuận giai đoạn 1 trong tháng 7/2021.

Nhà máy điện gió Tân Thuận được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương huyện Đầm Dơi nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung, tạo công ăn việc làm và nguồn thu ổn định cho ngân sách trong những năm tiếp theo.

Năng lượng tái tạo tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 9,5 tỷ kWh, tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 4/2021 đạt 22,19 tỷ kWh, đạt 101,7% kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đạt 80,67 tỷ kWh, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau: 

Thủy điện đạt 18,39 tỷ kWh, tăng 59,3% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 22,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; nhiệt điện than đạt 41,48 tỷ kWh, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 51,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; tuabin khí đạt 10,55 tỷ kWh, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 9,5 tỷ kWh, tăng 156,9% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 11,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (riêng điện mặt trời đạt 8,73 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ).

4 tháng đầu năm 2021, điện mặt trời đạt 8,73 tỷ kWh, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ

Trong khi đó, nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh. Điện nhập khẩu đạt 481 triệu kWh, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

EVN cho biết, trong tháng 5/2021, Tập đoàn sẽ khai thác nhiệt điện than và tuabin khí theo cấu hình nguồn nhằm khai thác tối đa có thể năng lượng tái tạo; điều tiết các hồ thủy điện bám sát kế hoạch năm và đảm bảo cấp nước hạ du cho các địa phương. Các Tổng công ty phát điện đảm bảo khả dụng các tổ máy cao nhất có thể trong các tháng mùa khô của năm. Vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam.

EVN cũng sẽ đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện và tiến độ đóng điện các công trình lưới điện quan trọng: nâng công suất trạm biến áp 500kV Vĩnh Tân, Di Linh, Mỹ Tho... các trạm biến áp 220kV Ninh Phước, Vân Phong... nhánh rẽ 220kV sau các trạm Việt Trì. Đặc biệt, EVN đẩy nhanh tiến độ những dự án phục vụ truyền tải công suất các dự án năng lượng tái tạo, phấn đấu mục tiêu đến tháng 7/2021 giải tỏa cơ bản công suất các dự án năng lượng tái tạo đã được đưa vào vận hành...

IEEFA: Cần tạo sân chơi bình đẳng giữa điện tái tạo và điện khí LNG

Theo báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) - một tổ chức nghiên cứu từ Hoa Kỳ, việc rà soát lại Quy hoạch điện VIII là cơ hội để cải thiện cấu trúc thị trường điện Việt Nam, cần tạo sân chơi bình đẳng giữa điện tái tạo và điện khí LNG.

Báo cáo nhận định: “Việt Nam hiện vẫn là thị trường năng lượng tăng trưởng hấp dẫn nhất Đông Nam Á với dự kiến ít nhất 68GW công suất mới cần được bổ sung vào hệ thống từ nay cho đến năm 2030”.

Báo cáo của IEEFA chỉ ra và phân tích ba động lực chính tác động đến quá trình xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII): cuộc dịch chuyển từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí; tầm quan trọng ngày càng gia tăng của năng lượng tái tạo và sự thay đổi lớn trong các chuẩn mực cấp vốn cho các dự án điện. 

Văn phòng Chính phủ gần đây có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu, bổ sung nhiều nội dung và lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, trình lại Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6.

Ảnh minh họa

Melissa Brown, tác giả báo cáo của IEEFA đã chỉ ra ba bước cơ bản mà Bộ Công Thương có thể thực hiện để đảm bảo nền móng vững chắc hơn cho Quy hoạch điện VIII, cũng như giúp củng cố khả năng phía chính phủ đạt được những điều khoản có lợi hơn khi đàm phán hợp đồng dự án điện trong tương lai. Chìa khóa nằm ở việc phải thúc đẩy thay vì loại bỏ cạnh tranh giữa các nhà đầu tư điện tái tạo và các nhà đầu tư dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí đốt) thông qua các bước sau:

Tăng cường hiệu quả vận hành của các nguồn điện hiện có thông qua đầu tư lưới điện có mục đích. Trong ngắn hạn, để giảm áp lực phải chấp nhận những dự án có nguy cơ thiếu cạnh tranh trong tương lai, cần ưu tiên các khoản đầu tư then chốt vào hệ thống truyền tải điện nhằm cải thiện hiệu quả vận hành của các nguồn điện sẵn có và gia tăng sản lượng phát lên lưới của các nguồn năng lượng tái tạo có vị trí chiến lược. Nỗ lực này sẽ giúp ổn định lưới điện và tạo điều kiện cho các điều khoản hợp đồng có lợi trong tương lai. Để làm được như vậy, đòi hỏi Bộ Công Thương phải có thêm nhiều chiến lược tìm tài trợ từ các ngân hàng phát triển đa phương hoặc có các chiến lược tăng cường tín dụng hiệu quả để điều tiết, thích nghi với sự đa dạng của các nguồn năng lượng và lưu trữ năng lượng. 

Cam kết sớm triển khai đấu thầu cạnh tranh cho các nhà máy điện tái tạo kết hợp với pin lưu trữ để thúc đẩy cạnh tranh và giảm rủi ro cắt giảm công suất. Nhờ quá trình hình thành và tăng trưởng nhanh chóng của điện tái tạo 2 năm vừa qua, Việt Nam giờ đây đang ở vị thế thuận lợi khi có thể tiếp cận được với mức giá chào bán điện rẻ hơn từ các nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường, với điều kiện chính phủ khuyến khích đầu tư vào các giải pháp lưu trữ năng lượng nhằm giúp giảm thiểu rủi ro cắt giảm công suất. 

Tất cả các bên tham gia đều phải chấp nhận rủi ro thị trường. Thị trường điện Việt Nam đem lại cho các nhà đầu tư nhiều mức lợi nhuận tương ứng với rủi ro hấp dẫn. Quá trình phát triển dự án còn phức tạp song Bộ Công Thương đã dần dần cải thiện cấu trúc thị trường và các nhà đầu tư ưu tiên tăng trưởng đang nhìn thấy những cơ hội kinh doanh chỉ có ở Việt Nam mà không thể tìm thấy ở thị trường nào khác, đặc biệt là trong lĩnh vực LNG và năng lượng tái tạo. Đã đến lúc Bộ Công Thương nên tự tin nhìn nhận rằng việc đầu tư vào thị trường điện Việt Nam không cần phải đi kèm với những bảo lãnh chính phủ hào phóng như trước đây, đặc biệt là khi những cam kết này thường khiến bên vận hành hệ thống mất đi tính linh hoạt khi điều tiết nguồn điện. 

“Việc rà soát lại Quy hoạch điện VIII là một cơ hội quý báu để Bộ Công Thương tinh chỉnh chiến lược mới để củng cố cấu trúc thị trường, sao cho những nhà đầu tư có đủ năng lực đồng hành với Việt Nam trong dài hạn sẽ nổi bật giữa đám đông”, báo cáo nhận định.

Ngân Hà