Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 19/2025

Thứ hai, 19/5/2025 | 08:00 GMT+7
Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá phát điện loại hình nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2025.

Phê duyệt khung giá phát điện loại hình nhà máy điện khí LNG năm 2025

Cụ thể, Bộ Công Thương mới đây đã ban hành Quyết định số 1313/QĐ-BCT ngày 13/5/2025 phê duyệt khung giá phát điện loại hình nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng năm 2025.

Theo đó, mức giá tối đa (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) của khung giá phát điện năm 2025 áp dụng cho loại hình nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG quy định tại điểm a khoản 2 điều 1 Thông tư số 09/2025/TT-BCT là 3.327,42 đồng/kWh.

Các thông số sử dụng tính toán mức giá tối đa của khung giá phát điện áp dụng cho loại hình nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng LNG năm 2025 như sau:

(*Giá vận chuyển sẽ được cập nhật sau khi giá dịch vụ tồn trữ, tái hóa, vận chuyển và phân phối khí LNG được Bộ Công Thương phê duyệt)

Căn cứ khung giá phát điện quy định tại quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và đơn vị phát điện ký kết hợp đồng mua bán điện trên cơ sở tuân thủ quy định về phương pháp xác định giá dịch vụ phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển năng lượng xanh trong khu công nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhấn mạnh vai trò của điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp.

Việt Nam hiện có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động. Đây là những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng, đồng thời cũng là nơi có tiềm năng phát triển điện mặt trời mái nhà rất lớn. Theo ông Trung, chỉ riêng tiềm năng kỹ thuật đã có thể đạt tới 12 – 20 GWp, tương đương công suất hơn 10 nhà máy nhiệt điện than. Không cần mở rộng quỹ đất hay xây mới hạ tầng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng chính mái nhà xưởng hiện hữu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, một giải pháp phù hợp với mô hình năng lượng phân tán mà Chính phủ đang khuyến khích.

Diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”

Từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích rõ rệt: giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng, nâng cao giá trị thương hiệu gắn với yếu tố xanh, đồng thời góp phần giảm tải hệ thống điện quốc gia vào các khung giờ cao điểm. Mô hình này còn hỗ trợ đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và là lời giải dung hòa giữa tăng trưởng GDP nhanh và phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Việt Nam đã và đang xây dựng một hệ thống chính sách ngày càng hoàn thiện để hiện thực hóa mục tiêu kép: vừa đảm bảo đủ năng lượng phục vụ sản xuất vừa chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị (năm 2020), Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2045 (ban hành tháng 3/2024) và Quy hoạch điện VIII cùng các cập nhật trong năm 2025 là những cột mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm chuyển đổi hệ thống năng lượng theo hướng xanh, sạch và hiện đại.

Đặc biệt, theo điều chỉnh mới nhất của Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu 50% tòa nhà công sở và hộ gia đình có hệ thống điện mặt trời mái nhà tự cung, tự cấp. Trong khi đó, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện dự kiến đạt 25 – 30% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên mức 74 – 75% vào năm 2050, một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có sự đồng hành từ cả khu vực công và tư.

Hai nghị định mới được Chính phủ ban hành cũng góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này. Nghị định 57/2025/NĐ-CP cho phép thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các nhà phát điện tái tạo và khách hàng lớn, giúp các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thêm kênh tiếp cận điện xanh mà không cần thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Bên cạnh đó, Nghị định 58/2025/NĐ-CP mang đến các ưu đãi mạnh mẽ cho dự án năng lượng tái tạo như hỗ trợ lưu trữ, miễn giảm tiền thuê đất và khuyến khích chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 9/5/2025 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 220kV Tân Sơn Nhất - Thuận An.

Theo quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Mục tiêu của dự án là hình thành mạch đường dây 220kV liên kết lưới điện giữa tỉnh Bình Dương và TPHCM, góp phần tăng hiệu quả đầu tư lưới điện và hỗ trợ công suất qua lại giữa 2 khu vực; đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong các chế độ vận hành cho trung tâm phụ tải TPHCM, đặc biệt là trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất cung cấp điện cho phụ tải sân bay Tân Sơn Nhất; giảm tải cho các đường dây 220kV Cầu Bông - Hóc Môn, 220kV Thủ Đức – Cát Lái, 220kV Thủ Đức – Nhiệt điện Nhơn Trạch; tăng cường liên kết hệ thống điện 220kV trong khu vực, tăng cường độ an toàn, linh hoạt trong vận hành và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.

Dự án có quy mô: xây dựng đường dây 220kV gồm đoạn 2 mạch cáp ngầm với chiều dài tuyến 7,8 km và đường dây trên không với chiều dài tuyển 5,4 km.

Tại trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất (xây dựng mới): 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Thuận An sẽ được đầu tư đồng bộ thuộc phạm vi dự án “trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất” do Tổng công ty Điện lực TPHCM làm chủ đầu tư và đang được triển khai thi công xây dựng.

Tại trạm biến áp 220kV Thuận An (hiện hữu): mở rộng và trang bị xây dựng mới 2 ngăn lộ 220kV đi trạm biến áp 220kV Tân Sơn Nhất. Trang bị mới và hoàn thiện cho hệ thống điều khiển, đo lường bảo vệ, thông tin liên lạc và SCADA cho các ngăn xuất tuyến mới trong quá trình thực hiện dự án theo đúng quy phạm, quy định hiện hành.

Địa điểm thực hiện dự án thuộc địa bàn TPHCM và tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành trong năm 2025.

Ngân Hà