Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 17/2025

Thứ hai, 5/5/2025 | 08:00 GMT+7
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 28/4/2025 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án đường dây 220kV Than Uyên - 500kV Lào Cai.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường dây 220kV Than Uyên - 500kV Lào Cai

Theo quyết định, nhà đầu tư thực hiện dự án đường dây 220kV Than Uyên - 500kV Lào Cai là Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Dự án đi qua địa bàn các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai. Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây trên không 220kV 2 mạch, chiều dài khoảng 73,54km từ TBA 220kV Than Uyên đến TBA 500kV Lào Cai.

Xuất tuyến từ trạm biến áp 220kV Than Uyên

Mục tiêu xây dựng dự án nhằm đáp ứng nhu cầu truyền tải công suất dư thừa do sự tăng trưởng nguồn điện của hệ thống thủy điện khu vực tỉnh Lai Châu; tạo ra mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện, tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia; giảm tổn thất điện năng trong lưới truyền tải, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Dự án sử dụng vốn tự có của EVNNPT (chiếm 30% tổng mức đầu tư dự án), còn lại là vốn vay thương mại.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung trong hồ sơ dự án; chịu trách nhiệm huy động góp đủ số vốn đã đăng ký theo tiến độ đảm bảo tính khả thi của dự án. Chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan trong quá trình đầu tư, thực hiện dự án.

Phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lai Châu, Lào Cai tổ chức triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai và pháp luật liên quan. Phối hợp với UBND các tỉnh Lai Châu, Lào Cai rà soát và xác định chính xác diện tích cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, diện tích tạm sử dụng rừng (nếu có) để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ thi công dự án; trường hợp thay đổi quy mô diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

EVNNPT thực hiện chế độ báo cáo về dự án đầu tư theo quy định pháp luật.

Việt Nam - Nhật Bản tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng

Theo Thông cáo báo chí chung Việt Nam - Nhật Bản nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 - 29/4/2025 của Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Phu nhân theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru thăm chính thức nước Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 28/4/2025 tại Hà Nội.

Trong đó, về tăng cường quan hệ kinh tế, hai Thủ tướng hoan nghênh đề xuất Danh mục fact-sheet kèm theo về các Dự án hợp tác Việt - Nhật (giai đoạn 1) với tổng quy mô khoảng 20 tỷ USD và những tiến triển về hợp tác công - tư giữa Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và các doanh nghiệp Nhật Bản trong thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và nhất trí thúc đẩy hợp tác nhằm hiện thực hóa các dự án này, cũng như các nỗ lực hơn nữa về các dự án phát điện sinh khối, trên cơ sở phù hợp với nguyên tắc của Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) về bảo đảm cân bằng giữa giảm phát thải, tăng trưởng kinh tế, an ninh năng lượng cũng như thực hiện trung hòa carbon thông qua nhiều hình thức đa dạng phù hợp với tình hình của mỗi nước.

Hướng tới xây dựng các nhà máy nhiệt điện LNG tại Việt Nam trong thời gian tới, hai Thủ tướng khẳng định hai bên sẽ nỗ lực bảo đảm môi trường kinh doanh cần thiết, trong đó có mặt cơ chế, pháp lý và triển khai, với tiền đề là sự tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam và trên cơ sở bảo đảm lợi ích cho cả Việt Nam và Nhật Bản.

Hai Thủ tướng cũng khẳng định hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru chứng kiến lễ trao bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về việc thúc đẩy các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng. (Ảnh: VGP)

Cụ thể, Danh mục các dự án “Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản dự án thí điểm lần 1” gồm 14 dự án: dự án quản lý năng lượng trong các khu công nghiệp kết hợp năng lượng tái tạo, DR, pin lưu trữ… tại khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng; dự án điện khí LNG Vân Phong 2; chuỗi dự án khí – điện lô B; dự án đồng đốt amoniac tại nhà máy nhiệt điện của EVN; dự án giảm phát thải carbon và quản lý năng lượng tại thành phố thông minh Smart city Bắc Hà Nội và khu công nghiệp Thăng Long (tại chỗ); dự án DPPA triển khai chung trong Tập đoàn Toyota Tsusho tại Việt Nam; dự án điện gió V1 – 2 mở rộng tại tỉnh Trà Vinh; dự án điện khí LNG Quảng Ninh; dự án cho vay hai bước dành cho các ngân hàng sở tại nhằm mục đích hỗ trợ xây dựng mạng lưới truyền tải điện của JBIC (2 dự án); dự án thúc đẩy phát triển khu công nghiệp xanh Long Đức; nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn; dự án phát triển điện gió ngoài khơi; dự án giảm phát thải CO2 và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại tỉnh Đồng Nai; dự án điện khí LNG Thái Bình.

Nhà máy điện rác Seraphin bắt đầu tiếp nhận và xử lý rác thải

Ngày 1/5, tại Hà Nội, Nhà máy điện rác Seraphin chính thức tiếp nhận và xử lý những tấn rác thải đầu tiên. Dự án do Công ty CP Công nghệ Môi trường xanh Seraphin (thành viên Tập đoàn AMACCAO) làm chủ đầu tư. Nhà máy được khởi công ngày 30/3/2022.

Việc tiếp nhận, xử lý những tấn rác thải đầu tiên là bước khởi đầu quan trọng cho chu trình chạy thử nghiệm và hiệu chỉnh, đánh dấu bước chuyển giai đoạn từ xây dựng sang vận hành xử lý rác. Seraphin đang tiến rất gần đến việc đưa nhà máy vào vận hành chính thức để góp phần giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường cho Thủ đô Hà Nội.

Nhà máy điện rác Seraphin tại Hà Nội chính thức tiếp nhận và xử lý những tấn rác thải đầu tiên

Nhà máy điện rác Seraphin có công suất xử lý rác lên tới 2.250 tấn/ngày đêm, công suất phát điện 37MW, sử dụng công nghệ hiện đại Martin của Đức, hội tụ đầy đủ các yếu tố công nghệ xanh, công nghệ cao, công nghệ số và tự động hóa hoàn toàn. Các chỉ tiêu về khí thải, nước thải và chất thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo an toàn cho môi trường và cộng đồng.

Seraphin là nhà máy điện rác thứ hai của thành phố Hà Nội. Nhà máy đầu tiên ở khu xử lý chất thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn), công suất 5.500 tấn rác/ngày đêm đi vào hoạt động từ quý II/2022. Dự kiến hai nhà máy sẽ cơ bản xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt ở thành phố. Hiện số rác thải trên địa bàn khoảng 7.000 tấn/ngày đêm.

Ngân Hà