Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 24/2021

Thứ hai, 28/6/2021 | 09:09 GMT+7
Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời đã đưa vào vận hành, đang triển khai thi công xây dựng công trình, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương trong lĩnh vực điện gió

Mới đây, Bộ Công Thương có văn bản số 3324/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương trong lĩnh vực điện gió. Theo đó, ngày 29/6/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam (Quyết định 37). Ngày 10/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 37. Theo quy định tại Quyết định 39, giá mua bán điện giữa chủ đầu tư các dự án điện gió với Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2021.

Bộ Công Thương yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương trong lĩnh vực điện gió. (Ảnh minh họa)

Trong thời gian vừa qua, có một số dự án nhà máy điện gió đã đầu tư, xây dựng, đưa vào vận hành nhưng các chủ đầu tư chưa tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, điện lực... Để đảm bảo các tổ chức, cá nhân tham gia, thực hiện phát triển điện gió theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương (bao gồm các giai đoạn như quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư, nghiệm thu và đưa vào vận hành), theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án điện gió đã đưa vào vận hành, đang triển khai thi công xây dựng công trình, dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2021.

Trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực điện gió, trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, gửi về Bộ Công Thương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Các địa phương thông báo kết quả kiểm tra dự án điện mặt trời trước 1/7

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản số 3259/BCT-ĐL gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021, ngày 5/3/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 795/QĐ-BCT về kiểm tra phát triển điện mặt trời. Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời (trong đó có điện mặt trời mái nhà) tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương. 

Ảnh minh họa

Để tăng cường quản lý nhà nước trong phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai và thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 185/TTg-CN ngày 9/2/2021 về việc rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời theo thẩm quyền của các địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra, thanh tra các dự án điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà) trong các giai đoạn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, triển khai đầu tư, nghiệm thu và đưa vào vận hành theo đúng quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi kết quả thực hiện về Bộ Công Thương trước ngày 1/7/2021 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nghệ An sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 16/6/2021 về triển khai thực hiện định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện các mục tiêu về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như cung cấp đủ nhu cầu năng lượng của tỉnh, đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030), góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối trên địa bàn tỉnh đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu điện các năm theo quy hoạch được phê duyệt, ưu tiên các địa bàn khu vực biên giới.

Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới hợp lý, phù hợp với tiềm năng địa phương, đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định đảm bảo tổng cung cấp năng lượng sơ cấp quốc gia đạt mục tiêu khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045. Xây dựng hệ thống lưới điện hiện đại, thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực; bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng…

Nghệ An sẽ ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức nghiên cứu để đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững lĩnh vực điện lực; lập quy hoạch, kế hoạch, phương án phát triển hạ tầng lưới điện nhằm cấp điện kịp thời, ổn định, nâng cao chất lượng điện năng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phục vụ tiêu dùng dân cư, chú trọng cấp điện nông thôn.

Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững, đảm bảo các yếu tố về môi trường. Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn năng lượng tái tạo, ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng sạch (năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, điện rác...).

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Công Thương Nghệ An chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch.

Ngân Hà