Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 23/2021

Thứ hai, 21/6/2021 | 09:11 GMT+7
Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.

Bộ Công Thương thông tin về việc kiểm tra các dự án điện mặt trời

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2021 của Bộ Công Thương vừa diễn ra, thông tin về việc kiểm tra dự án điện mặt trời theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 185/TTg-CN ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã triển khai các nội dung: thành lập đoàn kiểm tra; có văn bản gửi UBND các tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát báo cáo các nội dung có liên quan và cử đầu mối phối hợp với đoàn kiểm tra. 

Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã tiến hành kiểm tra 10 tỉnh, thành phố có công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà lớn. Qua công tác kiểm tra hồ sơ và thực địa một số dự án phát triển điện mặt trời, trong đó có điện mặt trời mái nhà tại một số tỉnh, thành phố, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn các địa phương.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, ngày 7/6/2021, Bộ Công Thương cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các tỉnh tổ chức triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) của các cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện phát triển điện mặt trời.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, địa phương, EVN, Bộ Công Thương sẽ tập hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sử dụng kết quả kiểm tra làm cơ sở để tham mưu trong quá trình xây dựng chính sách và lập quy hoạch trong thời gian tới, đảm bảo phát triển đồng bộ với hạ tầng lưới truyền tải và nhu cầu sử dụng điện của đất nước.

Đôn đốc tiến độ thực hiện dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Hà Nội)

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản 5756/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông về công tác quản lý, vận hành, bảo đảm an ninh trật tự khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn).

Theo đó, về tiến độ Nhà máy điện rác Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành công tác đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng vị trí cột điện số 20-21; phối hợp với nhà đầu tư để có thể triển khai ngay việc thi công kéo dây tuyến đường điện.

UBND Thành phố Hà Nội đốc thúc tiến độ dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn

Sở Công Thương Thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện các thủ tục đấu nối, đóng điện, cấp điện; xem xét phương án cấp điện vận hành nhà máy trong trường hợp chưa hoàn thành đường dây 110kV; đôn đốc hoàn thành việc điều chỉnh thông số tuabin, điều chỉnh hợp đồng mua bán điện, cấp phép hoạt động điện lực. Sở Tài chính Thành phố hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư xây dựng phương án giá dịch vụ xử lý chất thải sinh hoạt, bố trí vốn đặt hàng xử lý đốt rác năm 2021.

Về công tác nghiệm thu, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục hướng dẫn nhà đầu tư công tác nghiệm thu các hạng mục phần xây dựng và các hạng mục môi trường, nghiệm thu các thiết bị hệ thống điện nhà máy; Công an Thành phố hướng dẫn công tác nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý (chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để được hướng dẫn triển khai thực hiện; phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn triển khai thi công, kéo dây tuyến đường điện song song với công tác hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng; có giải pháp cấp nguồn điện phục vụ thử nghiệm vận hành trong trường hợp chưa thông tuyến đường điện 110kV.

Đóng điện trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT1 (Quảng Bình)

Mới đây, trạm biến áp (TBA) 220kV của dự án trang trại điện gió BT1 109,2MW tại xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã được đóng điện thành công.

Trạm biến áp 220kV của dự án trang trại điện gió BT1 được thiết kế mang tính chất dự phòng cao, phía 220kV hiện tại vận hành theo sơ đồ hai thanh cái (dự phòng đất cho thanh cái vòng trong tương lai) bao gồm 2 ngăn đường dây đi TBA 220kV Đồng Hới và 220kV Đông Hà, 1 ngăn liên lạc và 1 ngăn MBA 220/33kV 125MVA. Phía 35kV trước mắt vận hành theo sơ đồ một thanh cái với 6 lộ xuất tuyến đi các tuabin gió.

Trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT1 được đóng điện thành công đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc đưa trang trại điện gió này đi vào giai đoạn vận hành phát điện lên lưới.

Trạm biến áp 220kV dự án trang trại điện gió BT1 đã được đóng điện thành công

Trang trại điện gió BT1 tại huyện Quảng Ninh, công suất 109,2 MW (26 tuabin) cùng với trang trại điện gió BT2 tại huyện Lệ Thủy, công suất 100,8 MW (24 tuabin) thuộc dự án cụm trang trại điện gió B&T (Quảng Bình) có tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng. Dự kiến, dự án này sẽ được đưa vào vận hành và hòa lưới điện quốc gia trong quý III/2021.

Dự án sẽ bổ sung nguồn điện lớn, an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo thêm nhiều việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình. Đồng thời, dự án cũng sẽ tạo điểm nhấn về cảnh quan du lịch, tạo uy tín và làm sức hút cho các nhà đầu tư lớn đến với Quảng Bình.

Ngân Hà