Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 21/2021

Thứ hai, 7/6/2021 | 09:20 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An vừa có buổi tiếp ông Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam để trao đổi về việc thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng.

Phát triển các hợp tác mới Việt – Pháp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao sự quan tâm của Đại sứ Nicolas Warnery và đại diện các doanh nghiệp Pháp đối với hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam. Việc các doanh nghiệp Pháp quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam là rất đáng hoan nghênh do vậy hai bên cần tiếp tục đôn đốc các doanh nghiệp hợp tác, triển khai thực hiện các dự án trong tương lai.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An khẳng định, hợp tác năng lượng chỉ là một phần trong quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Pháp trong thời gian qua. Pháp luôn là một trong các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong EU với kim ngach song phương đứng thứ 3 trong khối EU. Theo số liệu thống kê của Tổng cục hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt trên 1,58 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An làm việc với Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery. (Ảnh: moit.gov.vn)

Đại sứ Nicolas Warnery khẳng định, các dự án và đề xuất hợp tác trong lĩnh vực năng lượng của Pháp tại Việt Nam nhằm hai mục đích lớn gồm: hướng tới phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng tại Việt Nam phục vụ quá trình tăng trưởng của nền kinh tế. 

Trên cơ sở đó, Đại sứ bày tỏ mong muốn hai bên chung tay cùng thúc đẩy những dự án năng lượng lớn của Pháp đang triển khai tại Việt Nam như: dự án Sơn Mỹ 1, dự án Cà Ná hay phát triển các hợp tác mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Kết thúc buổi làm việc, Đại sứ Nicolas Warnery cảm ơn Thứ trưởng Đặng Hoàng An và các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương về sự quan tâm, ủng hộ hoạt động và hợp tác của các tập đoàn năng lượng lớn của Pháp tại Việt Nam. Thứ trưởng và Đại sứ đều tin tưởng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.

Phát triển năng lượng tái tạo cho lĩnh vực sản xuất của Việt Nam

Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực sản xuất bền vững và thích ứng với khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh để hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Việt Nam nằm trong trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao về cơ sở sản xuất và tạo việc làm. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã phát triển và trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai trên thế giới với tổng doanh thu xuất khẩu hàng dệt may đạt 34 tỷ USD vào năm 2020. 
Với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) năm nay, Vương quốc Anh sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc hỗ trợ phát triển lĩnh vực sản xuất bền vững và thích ứng với khí hậu, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và cơ sở hạ tầng xanh để hỗ trợ nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai.

Mới đây, nhân chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã tổ chức một buổi hội thảo trực tuyến với các nhà sản xuất trong nước và quốc tế tại Việt Nam. Hội thảo nhấn mạnh vào cơ hội tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong nhiều ngành khác nhau. 

Các bài thuyết trình đã chỉ ra tiềm năng đáng kể của Việt Nam trong việc phát triển năng lượng mặt trời trên mái nhà từ Shire Oak - một công ty phát triển năng lượng mặt trời của Vương quốc Anh, cũng như tổng quan về thỏa thuận mua điện trực tiếp từ công ty luật Allens. 

Trong hội thảo, các bên ký kết sáng kiến toàn cầu RE100, bao gồm cả Heineken, New Balance, 3M, H&M và Intel đã chia sẻ về nhu cầu tiếp cận ngày càng cao với năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất của họ trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Việt Nam. Sự kiện có sự tham gia của đại diện đến từ các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản và Anh quốc tại Việt Nam, nêu bật mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Vương quốc Anh và Nhật Bản trong hành động vì môi trường trước thềm Hội nghị COP26 vào tháng 11.

Có cơ hội để tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong nhiều ngành sản xuất khác nhau tại nước ta. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Sharma cho biết: "Năng lượng tái tạo cung cấp một giải pháp rõ ràng và bền vững cho nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu. Việt Nam có những tiềm năng đáng kể như tốc độ gió cao ở miền Nam và lượng bức xạ mặt trời lớn trên phần lớn đất nước. Điều này giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tăng tỷ trọng trên tổng lượng năng lượng tái tạo. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu như các quý công ty tại đây ngày hôm nay cần thể hiện khả năng dẫn đầu trong việc ưu tiên sử dụng năng lượng sạch trên các thị trường mà các vị đang hoạt động".

Sự kiện đã nhấn mạnh sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với các mục tiêu của liên minh RE100, nhu cầu ngày càng gia tăng trong tăng cường triển khai năng lượng tái tạo và các giải pháp tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam. 

Sáng kiến RE100 tập hợp các doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới cam kết sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động kinh doanh của họ. Các công ty thành viên của RE100 đã cam kết sẽ bù đắp 100% điện năng được sử dụng trong các hoạt động của họ trên toàn cầu của mình bằng lượng điện sản xuất từ các nguồn được tái tạo, muộn nhất là năm 2050. Nhiều công ty RE100 còn đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện được sớm hơn. Năm ngoái, 42% thành viên mới của RE100 đến từ châu Á - Thái Bình Dương.

Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy - Gia Lai

UBND tỉnh Gia Lai vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy - Gia Lai với tổng kinh phí hơn 9.559 tỉ đồng.

Theo đó, dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy - Gia Lai có quy mô 538ha, trong đó 533ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Ia (xã Ialy, huyện Chư Păh, Gia Lai) và 5ha diện tích mặt đất để xây dựng khu vực trạm biến áp, khu quản lý vận hành. Công suất thiết kế của dự án là 500 MW.

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, dự án dự kiến sẽ được khởi công vào quý II/2022 và hoàn thành vào quý IV/2023 với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Theo cam kết của chủ đầu tư, diện tích sử dụng đất, mặt nước của dự án sẽ được chuẩn xác trong giai đoạn thiết kế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; không ảnh hưởng đến đất rừng, đất trồng lúa, đất quốc phòng - an ninh; không ảnh hưởng đến giao thông đường thủy nội địa, nuôi trồng, khai thác thủy sản, phát triển du lịch; không ảnh hưởng đến vận hành an toàn, ổn định của công trình thủy điện Ialy.

Ngân Hà