Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 32/2022

Thứ hai, 22/8/2022 | 08:00 GMT+7
Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mua bán điện xuyên biên giới, các giải pháp carbon thấp như hydro và amoniac, hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS), lưới điện thông minh...

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam – Singapore

Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, mới đây, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với ông Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore.

Tại buổi làm việc, trao đổi về hợp tác năng lượng, Bộ trưởng Tan See Leng đã đề xuất hai bên xem xét, trao đổi để tiến tới ký bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai Bộ. Bộ trưởng Tan cũng chia sẻ các nội dung về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mà Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, mua bán điện xuyên biên giới, các giải pháp carbon thấp như hydro và amoniac, hệ thống lưu trữ năng lượng (BESS), lưới điện thông minh và hỗ trợ/tham gia phát triển chuỗi giá trị LNG và các dự án cơ sở hạ tầng LNG tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên hội đàm với ông Tan See Leng, Bộ trưởng Bộ Lao động kiêm Bộ trưởng thứ hai Bộ Công Thương Singapore. (Ảnh: moit.gov.vn)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ghi nhận và đánh giá các hoạt động hợp tác đã triển khai giữa Việt Nam và Singapore trong khuôn khổ các bản ghi nhớ đã ký trong lĩnh vực năng lượng và nhất trí về chủ trương nâng cấp bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng giữa hai Bộ. Việt Nam hy vọng Singapore sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác năng lượng hướng tới mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và phù hợp với cam kết mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26.

Việt Nam luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong đó có các nhà đầu tư Singapore tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo, hợp tác chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng và nguyên liệu tại Việt Nam.

Việt Nam hoan nghênh ý tưởng hợp tác của Singapore trong lĩnh vực LNG và đề nghị Singapore có thể hợp tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng LNG, cảng xuất khẩu LNG, hệ thống tái hóa khí LNG… Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị Singapore hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong quá trình hoàn thiện, phát triển thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Đề xuất chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Quảng Trị

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã chủ trì cuộc họp để nghe nhà đầu tư báo cáo về dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư và phát triển NEVN SOLAR đề xuất xin chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời NEVN SOLAR với mục đích sản xuất, lắp ráp mô đun quang điện với công suất thiết kế 800MW/năm (2.460 tấm sản phẩm/năm). 

Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 968 tỷ đồng và được xây dựng tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Thời gian thực hiện là 24 tháng kể từ ngày được giao đất.

Cuộc họp do UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức để nghe nhà đầu tư báo cáo về dự án nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng hoan nghênh nhà đầu tư đã chọn Quảng Trị để đầu tư dự án. Ông Võ Văn Hưng cho rằng, dự án phù hợp với chiến lược phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ của thế giới vào sản xuất kinh doanh và phù hợp với quy hoạch chung của khu kinh tế Đông Nam.

Ông Võ Văn Hưng giao Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh trong việc cấp chủ trương đầu tư; giao các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục để triển khai thực hiện dự án. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị nhà đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương để hoàn thành các thủ tục trong thời gian sớm nhất, đảm bảo thực hiện dự án như đã cam kết với UBND tỉnh.

Tìm kiếm sáng kiến thanh niên về chuyển đổi năng lượng

Cuộc thi sáng kiến thanh niên về chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực các sáng kiến thanh niên và tìm kiếm giải pháp giúp nâng cao nhận thức, giải pháp kỹ thuật hay nghiên cứu khoa học hướng tới chuyển dịch năng lượng và những vấn đề môi trường có liên quan trực tiếp tại các địa phương trên toàn quốc.

Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án Green Youth Labs được thực hiện bởi Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam.

Dự án Green Youth Labs được thực hiện bởi Viện FES Việt Nam với mục tiêu nâng cao tiếng nói và hành động của thanh niên vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Dự án nằm trong chương trình Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức (BMU) hỗ trợ.

Hàng năm, dự án sẽ tổ chức chuỗi tập huấn cơ bản về chuyển dịch năng lượng trên toàn quốc cho 150 thanh niên. Sau đó, Cuộc thi sáng kiến thanh niên sẽ được khởi động, tạo cơ hội cho các bạn trẻ trên toàn quốc nộp đề xuất dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng (dự án nghiên cứu, kỹ thuật, giáo dục - truyền thông). 

Ít nhất 30 thanh niên với sáng kiến tiêu biểu lọt vào vòng chung kết sẽ nhận hỗ trợ tham gia tập huấn chuyên sâu về chuyển dịch năng lượng và kỹ năng quản lý dự án với các chuyên gia trong và ngoài nước tại Diễn đàn sáng kiến thanh niên toàn quốc. Được quảng bá sáng kiến và kết nối với các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành năng lượng bền vững tại Ngày hội triển lãm sáng kiến. Nhận được giấy chứng nhận tham gia bởi Viện FES Việt Nam.

10 sáng kiến xuất sắc nhất sẽ được nhận gói giải thưởng, bao gồm các hỗ trợ tài chính và chuyên môn để triển khai hoạt động trong vòng 6 tháng (tổng giá trị giải thưởng hàng năm lên tới €15.000).

Các hoạt động trên sẽ diễn ra thường niên trong 3 năm, từ 2022 tới 2024. 

Ảnh minh họa

Đối tượng tham gia cuộc thi là nhóm sáng kiến, các doanh nghiệp xã hội, cộng đồng địa phương, trường học, trường đại học... Mỗi nhóm gồm 3 - 5 thành viên là công dân Việt Nam từ 16 - 35 tuổi (với những đơn đăng ký nằm ngoài độ tuổi trên có thể được xem xét riêng) và đang sinh sống tại Việt Nam. 

Từ ngày 14/8 - 4/9, ban tổ chức mở đơn đăng ký cuộc thi. Từ ngày 5/9 - 11/9: thông báo kết quả các sáng kiến vào vòng chung kết. Từ ngày 14/9 - 17/9: Diễn đàn sáng kiến thanh niên toàn quốc (3 - 4 ngày). Và ngày 17/9 là Ngày hội triển lãm sáng kiến (1 ngày): các sáng kiến sẽ được trưng bày tại Ngày hội triển lãm các sáng kiến về năng lượng bền vững và tham gia vòng thuyết trình sáng kiến để chọn ra ít nhất 10 sáng kiến xuất sắc nhất được nhận gói giải thưởng (bao gồm hỗ trợ về tài chính và chuyên môn) để triển khai hoạt động.

Ngân Hà