Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 41/2022

Thứ hai, 24/10/2022 | 08:00 GMT+7
Việc phát triển khí sinh học sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26 và giúp quốc gia phát triển tương lai năng lượng xanh bền vững.

Phát triển khí sinh học tại Việt Nam góp phần thực hiện cam kết COP26

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ, trong đó có tuyên bố giảm lượng phát thải khí mê-tan vào năm 2030. Để đạt được cam kết giảm phát thải khí mê-tan, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích phát triển khí sinh học và cần sự đầu tư đáng kể từ cả nhà nước và khối tư nhân vào các nhà máy khí sinh học để xử lý chất thải hữu cơ từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và rác thải của các đô thị.

Toàn cảnh hội thảo “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức”

Đây là các chủ đề được trình bày và thảo luận tại hội thảo quốc tế “Phát triển khí sinh học Việt Nam góp phần thực hiện COP26 - tiềm năng và thách thức” diễn ra vào ngày 18 - 19/10 tại Hà Nội. Hội thảo nhằm giới thiệu các công nghệ khí sinh học quy mô vừa và lớn trên thế giới và Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong sử dụng khí sinh học phát nhiệt và điện, cũng như thảo luận để xác định những rào cản và cơ hội, đưa ra khuyến nghị giải pháp thúc đẩy phát triển khí sinh học quy mô vừa và lớn.

Hội thảo do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM), do Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu CHLB Đức (BMWK) tài trợ thông qua Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI). 

Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án BEM cho biết: “Bằng việc phát triển khí sinh học để phát điện, Việt Nam sẽ giảm phát thải khí mê-tan và CO2, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho lưới điện. Với hội thảo này, chúng tôi hy vọng có thể đóng góp vào việc khai thác tốt hơn tiềm năng khí sinh học ở Việt Nam và giới thiệu các cơ chế hỗ trợ thích hợp. Như vậy, hội thảo sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết COP26 và giúp quốc gia phát triển tương lai năng lượng xanh bền vững”.

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện nghiên cứu chính sách, các sở ban ngành liên quan của các tỉnh, Tổng cục môi trường cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các tổ chức tài chính đã tham gia sự kiện. Hội thảo thu hút hơn 100 đại biểu tham dự và đây là sự kiện quốc tế đầu tiên về khí sinh học của dự án BEM.  

Phát triển phương tiện giao thông sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”.

Hội thảo là dịp để cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi và thảo luận về những cơ hội và thách thức đối với việc thúc đẩy phát triển giao thông đường bộ sử dụng điện ở Việt Nam, về chính sách, hạ tầng và thị trường; chia sẻ kinh nghiệm và xu thế của quốc tế và đề xuất những giải pháp nhằm phát triển loại hình phương tiện này ở Việt Nam. Đồng thời, hội thảo là dịp để giới thiệu về chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ sang xe điện; các chính sách phát triển xe điện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, trên thế giới tỷ lệ xe không phát thải mới bán ra hiện nay khoảng 2% và ước tính đến năm 2030 là 30% (riêng tại Mỹ là 50%).

Do đó, các chính sách và sáng kiến trong tương lai của Việt Nam về chuyển đổi sớm năng lượng xanh sẽ giúp ngành công nghiệp về phương tiện không phát thải phát triển nhanh, mạnh mẽ tại thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiến tới chuyển đổi ngành giao thông vận tải sang phương thức phát triển xanh, không phát thải khí nhà kính

Tại hội thảo, các chuyên gia giao thông nhìn nhận, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn cho ngành. Tuy nhiên, cũng sẽ mang đến không ít những khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.

Đây sẽ là cơ hội cho ngành giao thông vận tải tiếp cận công nghệ tiên tiến, hiện đại, tiến tới ngang bằng với các nước phát triển về công nghệ xanh; đồng thời tiếp cận các nguồn lực, hỗ trợ quốc tế đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tiên tiến, hiện đại, phát thải thấp, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện còn góp phần hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân.

Đồng Nai sẽ xây dựng Nhà máy xử lý rác phát điện gần 2.300 tỷ đồng

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai vừa ban hành công văn số 3842/SKHĐT-TĐ về việc đăng tải thông tin dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện được triển khai xây dựng tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai theo phương thức đối tác công tư (PPP) được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 22/9/2022.. 

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư PPP với tổng mức đầu tư trên 2.286 tỉ đồng từ nguồn chủ sở hữu và huy động, không dùng vốn ngân sách.

Dự án có công suất giai đoạn 1 xử lý 800 tấn rác thải/ngày và công suất phát điện 20MW; ở giai đoạn 2 xử lý rác thải 1.200 tấn/ngày và công suất phát điện 30MW. Dự kiến dự án sẽ được khởi công trong năm 2023, thời gian thực hiện dự án khoảng 3 năm kể từ khi khởi công xây dựng.

Ảnh minh họa

Sau khi được hoàn thành, dự án góp phần đảm bảo xử lý rác thải sinh hoạt của TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và vùng lân cận, giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải…

HĐND tỉnh Đồng Nai yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật về đất đai, tài sản công, bảo vệ môi trường, đấu thầu, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định pháp luật liên quan. Trong đó, việc lựa chọn nhà thầu phải đảm bảo minh bạch để lựa chọn nhà thầu tốt nhất, sử dụng công nghệ tiên tiến và có giải pháp xử lý tro bay, tro đáy đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường…

Ngân Hà