Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 50/2020

Thứ hai, 21/12/2020 | 09:13 GMT+7
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại Việt Nam giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã diễn ra tại Hà Nội.

USAID hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại Việt Nam

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ dự án An ninh năng lượng đô thị Việt Nam do USAID tài trợ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam ở cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia nhằm cải thiện luật pháp liên quan đến năng lượng sạch; huy động đầu tư; tăng cường áp dụng và triển khai các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Nhu cầu về năng lượng ở Việt Nam đang ở mức tăng trưởng 10% hàng năm. Việt Nam cần phải sử dụng các công nghệ năng lượng sạch, hiện đại để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đồng thời cung cấp dịch vụ điện cho hơn 20 triệu hộ gia đình.

Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2020, năng lượng tái tạo đã phát triển "bùng nổ" tại Việt Nam. Với chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo của Chính phủ, khoảng 9.700MW điện mặt trời và 600MW điện gió đã được đưa vào vận hành. Đặc biệt, tính đến nay, hơn 75.000 dự án ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt đạt trên 3.300MWp đang vận hành. Dự kiến đến cuối năm 2020, năng lượng tái tạo có thể chiếm tỉ lệ 17% công suất đặt toàn hệ thống điện quốc gia.

Lãnh đạo EVN và USAID ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy phát triển ĐMTMN tại Việt Nam

Tuy nhiên, chính sách khuyến khích năng lượng mặt trời hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 12/2020, trong khi các chính sách mới chưa được ban hành. Chính vì vậy, Phó Tổng giám đốc EVN kỳ vọng, thỏa thuận hợp tác với USAID sẽ giúp EVN và các đơn vị đưa ra các đánh giá, phân tích chuyên sâu và độc lập, giúp EVN có cái nhìn đa chiều về tình hình phát triển thực tế của ĐMTMN tại Việt Nam.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, EVN đã đặt ra các mục tiêu cao về tăng công suất ĐMTMN vào năm 2025 và đang đưa ra các biện pháp nhằm giúp người tiêu dùng hiểu và sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, việc phát triển ĐMTMN cũng đặt ra những thách thức mới đối với nguồn doanh thu của EVN, đồng thời mang đến các tác động tiêu cực tiềm tàng tới lưới điện như giảm chất lượng điện áp hoặc tổn thất điện năng. 

Để giải quyết những thách thức này và mục tiêu cuối cùng là tăng công suất ĐMTMN, EVN sẽ tiến hành phân tích tác động tài chính đối với đơn vị điện lực trong các kịch bản triển khai năng lượng ĐMTMN khác nhau tại TP Đà Nẵng với sự hỗ trợ của USAID thông qua biên bản ghi nhớ hợp tác này. Kết quả là các nhà hoạch định chính sách và đơn vị điện năng sẽ thấy được các tác động ngắn hạn trong giai đoạn đầu phát triển các chương trình ĐMTMN.

Bên cạnh đó, USAID cũng sẽ giúp EVN đánh giá tác động kỹ thuật của hệ thống ĐMTMN tới mạng lưới phân phối điện và nâng cao năng lực của EVN trong việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến lưới điện. EVN cũng sẽ được hỗ trợ trong việc thiết kế và thực hiện các chiến dịch truyền thông sáng tạo nhằm thúc đẩy đầu tư, lắp đặt hệ thống ĐMTMN.

Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock cho biết: “USAID đang giúp Việt Nam chuyển đổi sang lĩnh vực năng lượng linh hoạt hơn, sử dụng năng lượng tái tạo. Chúng tôi rất vui mừng được làm việc với EVN và hy vọng với kinh nghiệm sâu rộng của mình trong việc thúc đẩy năng lượng sạch trong khu vực, khả năng tiếp cận chuyên môn kỹ thuật và khả năng huy động nguồn lực toàn cầu sẽ giúp Việt Nam thực hiện được các mục tiêu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Nghiệm thu đưa vào sử dụng Nhà máy điện mặt trời Sê San 4

Tại Kon Tum, Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây đã đồng ý nghiệm thu đưa vào sử dụng Nhà máy điện mặt trời Sê San 4.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 có công suất 49MWp, được xây dựng tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum. Dự án do EVN làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Điện 2. Theo thiết kế, dự án cung cấp bình quân 72,4 triệu kWh/năm.  

Một góc dự án Nhà máy điện mặt trời Sê San 4

Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 là một trong số ít các dự án tại Việt Nam do Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tài trợ vốn không có sự bão lãnh của Chính phủ. Trong quá trình triển khai, dự án đã được AFD kiểm tra hiện trường ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng, tiến độ, sự tuân thủ về các điều kiện an toàn, môi trường và xã hội.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, phạm vi khối lượng thực hiện đáp ứng theo thiết kế được duyệt. Chất lượng công trình, công tác thi công xây dựng và lắp đặt thiết các hạng mục công trình đảm bảo theo yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật cũng như hướng dẫn lắp đặt của nhà thầu cung cấp thiết bị.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc EVN, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực của Ban Quản lý dự án Điện 2, các đơn vị nhà thầu tham gia xây dựng công trình đã vượt qua nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh để hoàn thành công trình theo tiến độ.

“Hội đồng chấp nhận nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, giao Công ty Phát triển thủy điện Sê San tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy điện mặt trời Sê San 4 và phối hợp với Ban Quản lý dự án Điện 2 để giám sát việc thực hiện các nghĩa vụ của nhà thầu trong quá trình vận hành 1 năm và bảo hành công trình”, Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho biết.

Khởi công Nhà máy điện gió Tân Ân (Cà Mau)

Lễ khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 1 vừa diễn ra tại ấp Xẻo Mắm, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Ân 1 giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.254 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư thủy điện Sông Lam. Giai đoạn 1, dự án có công suất 25MW với 4 khu vực, được xây dựng trên diện tích 206ha đường bờ biển. Dự kiến thời gian hoàn thành vào ngày 30/9/2021.

Theo chủ đầu tư dự án, giai đoạn 1 dự án sẽ xây dựng 6 trụ tuabin với tổng công suất phát điện 86,5kWh/năm, lượng điện này đảm bảo cung cấp tiêu dùng cho khoảng 25.000 đến 30.000 hộ dân.

Ảnh minh họa

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, việc xây dựng Nhà máy điện gió Tân Ân nhằm phát triển nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời đã được Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, dự án tạo điều kiện cho ngành du lịch của huyện Ngọc Hiển ngày càng phát triển và vực dậy nền kinh tế của xã Tân Ân nói riêng, huyện Ngọc Hiển nói chung.

PV