Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 4/2024

Thứ hai, 29/1/2024 | 08:00 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Nhận diện thách thức và cơ hội phát triển điện khí ở Việt Nam

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã xác định rõ một trong những định hướng phát triển điện lực quốc gia là: Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Cơ cấu nguồn điện định hướng đến năm 2030: nhiệt điện khí trong nước đạt 14.930 MW (9,9%), nhiệt điện LNG đạt 22.400 MW (14,9%); đến năm 2050: nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG đạt 7.900 MW (1,4 - 1,6%), nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro đạt 7.030 MW (1,2 - 1,4%), nhiệt điện LNG đốt kèm hydro đạt 4.500 - 9.000 MW (0,8 - 1,8%).

Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước vì LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau Hội nghị COP21.

Quang cảnh hội thảo

Tuy nhiên, TS. Mai Duy Thiện cũng nhận định, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh - sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng có thể thực hiện một sớm một chiều. Đứng trước nhiều vấn đề về những cơ hội và thách thức cho phát triển điện khí tại Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Phát triển điện khí ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” để cùng nhau thảo luận, nêu lên những nhận định về xu hướng phát triển năng lượng sạch và những cam kết của Việt Nam về phát thải, đề xuất giải pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam hiện nay về chính sách giá nhập khẩu LNG, về giá điện từ điện khí LNG, về cơ chế đầu tư vào điện khí, về cơ sở hạ tầng các nhà máy điện khí.

Tham gia hội thảo, các chuyên gia trình bày các tham luận về một số nội dung: một số khó khăn, thách thức trong phát triển nhiệt điện khí tại Việt Nam; những rào cản về cơ chế và giá trong phát triển điện khí LNG tại Việt Nam; các giải pháp phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII; giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện khí; cơ chế về thuế và phí nhằm khuyến khích phát triển điện khí LNG tại Việt Nam…

Việt Nam và EU hợp tác chuyển đổi năng lượng bền vững

Ban chỉ đạo Chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) vừa tổ chức phiên họp lần thứ hai tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier đồng chủ trì phiên họp.

Phiên họp nhằm mục tiêu cập nhật tiến độ giải ngân gói hỗ trợ ngân sách thuộc chương trình SETP, tiến độ triển khai 4 dự án hỗ trợ bổ sung và phê duyệt kế hoạch hoạt động của 4 dự án hỗ trợ bổ sung năm 2024.

Ban chỉ đạo Chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) tổ chức phiên họp lần thứ hai

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, chương trình SETP với tổng trị giá 142 triệu Euro của Liên minh châu Âu có ý nghĩa quan trọng không chỉ tăng cường mối quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên minh châu Âu mà còn hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu chuyển dịch năng lượng, thông qua gói hỗ trợ ngân sách viện trợ không hoàn lại trị giá 121 triệu Euro và 4 hợp phần hỗ trợ bổ sung trị giá 21 triệu Euro. Ban chỉ đạo chương trình họp lần thứ nhất vào tháng 5 năm 2022 đã phê duyệt kế hoạch hoạt động giai đoạn 2021 - 2025. Tại phiên họp lần thứ hai này, Ban chỉ đạo trao đổi thống nhất về thông tin tình hình giải ngân đợt 2 năm 2022 và đợt 3 năm 2023 và tiến độ hoạt động của 4 hợp phần bổ sung, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ cho các dự án theo đúng kế hoạch.

Ông Julien Guerrier, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng xanh và những thành quả mà Chính phủ Việt Nam cùng khu vực tư nhân, các nhà đầu tư đã đạt được. Đại sứ nhấn mạnh, Liên minh châu Âu đang tích cực hành động thúc đẩy thực hiện Chương trình chuyển dịch năng lượng công bằng JETP. Để thực hiện được điều đó cần tăng cường hợp tác, đối thoại ở mức độ quốc gia, cũng như sự tích cực thực hiện của khu vực tư nhân. Năm 2023, Việt Nam phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII). Đây là bước tiến quan trọng, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức của Chính phủ khi thực hiện chuyển dịch năng lượng bền vững. Trong bối cảnh đó, vai trò của diễn đàn trao đổi chính sách như Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết nhằm tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác phát triển.

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá các dự án đều có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết, thiết thực với tình hình, định hướng phát triển về chuyển dịch năng lượng bền vững. Theo Thứ trưởng, năm 2024, chúng ta cần có cơ chế linh hoạt hơn để tháo gỡ khó khăn, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung về tiến độ và nội dung một cách linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các chuyên gia thực hiện dự án.

Làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác năng lượng Việt Nam và Đan Mạch

Tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam vừa tổ chức họp Ban chỉ đạo Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình DEPP3). Đây là phiên họp thứ ba của Ban chỉ đạo Chương trình.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam theo hướng tăng cường khai thác, phát triển các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp vào việc triển khai các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 và mới đây nhất là Hội nghị COP28.

Phiên họp thứ ba của Ban chỉ đạo Chương trình DEPP3

Thứ trưởng hy vọng, sang năm 2024, Chương trình DEPP3 sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động tích cực, có những đóng góp thiết thực và hiệu quả để góp phần giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp thông qua việc phát triển hệ thống năng lượng xanh, vận hành hệ thống điện linh hoạt, thực thi hiệu quả các chính sách và biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz nhấn mạnh, Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch là một trong những trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch. Cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước đang đẩy mạnh thêm các hoạt động hợp tác, đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới, mở thêm nhiều cơ hội mới, nhiều sự hợp tác mới trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục…

Ngân Hà