EuroCham ủng hộ việc tiếp tục phát triển năng lượng sạch với chi phí thấp tại Việt Nam
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố ấn bản Sách Trắng thường niên lần thứ 15. Sách Trắng 2024 của EuroCham Việt Nam có chủ đề "Thúc đẩy đầu tư cho một nền kinh tế xanh và bền vững" cung cấp cái nhìn sâu sắc về chính sách kinh doanh của Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Trong chương 8 của Sách Trắng 2024 mang tên Ngành năng lượng và điện lực, EuroCham ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu năng lượng sạch từ các công ty tiêu thụ điện, đặc biệt là các công ty quốc tế quy mô lớn đã thành lập hoặc đang tìm cách đặt cơ sở tại Việt Nam và đang tìm kiếm nguồn năng lượng sạch cho doanh nghiệp của mình.
Lĩnh vực năng lượng mặt trời, năng lượng gió của Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng nhanh chóng và ấn tượng với việc mở rộng quy mô lắp đặt điện mặt trời trong nước, ước cung cấp khoảng 27% tổng công suất sản xuất điện của cả nước vào cuối năm 2020, đạt 16.500MW điện mặt trời tính đến thời điểm này.
EuroCham ủng hộ việc tiếp tục phát triển năng lượng sạch với chi phí thấp tại Việt Nam
Sách Trắng nêu: Có thể nhìn thấy lợi ích kinh tế của xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam khi các công ty cung cấp điện năng lượng mặt trời mái nhà có thể cung cấp cho người tiêu dùng sản xuất điện với giá rẻ hơn so với biểu giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Giảm chi phí vận hành là một lợi ích quan trọng đối với các nhà sản xuất và chúng tôi rất ủng hộ việc tiếp tục phát triển năng lượng sạch với chi phí thấp tại Việt Nam. Việc thúc đẩy kênh tiêu thụ năng lượng tái tạo trực tiếp mới cũng có thể giảm áp lực về nhu cầu nâng cấp hệ thống truyền tải của EVN. Từ đó, người sử dụng điện có thể mua điện được sản xuất trực tiếp từ các nguồn năng lượng tái tạo thông qua hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), là nền tảng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và tránh tác động cũng như sự phụ thuộc vào hệ thống truyền tải điện khu vực và quốc gia.
Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhà máy điện sinh khối tại Bình Định
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định, Công ty CP Erex (trụ sở chính tại Nhật Bản) vừa có văn bản cung cấp thông tin tiêu chí dự án đầu tư Nhà máy điện sinh khối Bình Định.
Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án có công suất lắp đặt là 50MW. Sản lượng điện sản xuất 296,4 triệu kWh/năm. Công nghệ sử dụng cho dự án là lò hơi ghi xích (stoker), turbine là dạng ngưng hơi thuần túy, không tái nhiệt… Mức đầu tư dự kiến là 2.400 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án sẽ xác nhận sau khi khảo sát thực tế. Ưu tiên vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi để di chuyển. Diện tích nhà máy khoảng 15 - 20 ha, không chồng lấn với rừng tự nhiên, đất lâm nghiệp.
Các thông tin về nguồn nhiên liệu, phương án đấu nối vào hệ thống điện (quy mô, cấp điện áp, khả năng giải tỏa công suất), chủ đầu tư cho biết sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Định sau khi khảo sát thực tế.
Ảnh minh họa
Theo Công ty CP Erex, dự án mong muốn khai thác tiềm năng, lợi thế về nguồn vật liệu sinh khối hiệu quả và bền vững, góp phần tích cực vào việc thực hiện thành công Nghị quyết số 55 ngày 11/12/2020 của Bộ Chính trị cũng như các cam kết của Việt Nam tại COP 26 về ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thải khí nhà kính. Theo tính toán, đối với nhà máy công suất 50MW có thể giảm phát thải khí CO2 dự kiến 250.695 tấn/năm. Ngoài ra, các tác động lên môi trường không khí (bụi, Nox, Sox…) sẽ được xử lý và được thải ra ống khói đáp ứng theo tiêu chuẩn môi trường quy định.
Về tiến độ dự kiến thực hiện, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2027 khởi công, mua sắm thiết bị và hoàn thành lắp đặt máy, thiết bị của dự án. Năm 2030, dự án sẽ vận hành thương mại.
Hậu Giang bãi bỏ chủ trương nghiên cứu đầu tư một số dự án điện gió, điện mặt trời
UBND tỉnh Hậu Giang vừa ban hành công văn 24/UBND-NCTH về việc bãi bỏ các chủ trương cho nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư, chủ trương về nguyên tắc thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Hậu Giang bãi bỏ chủ trương quyết định bãi bỏ chủ trương cho Tập đoàn Sao Mai tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất đầu tư dự án nhà máy điện gió kết hợp Nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Long Mỹ tại Công văn số 1345/UBND-NCTH ngày 19/7/2021, số 373/UBND-NCTH ngày 24/3/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Bãi bỏ chủ trương cho Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Tân nghiên cứu, khảo sát lập đề xuất dự án nhà máy điện mặt trời Vị Tân tại Công văn số 20/UBND-NCTH ngày 6/1/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
UBND tỉnh Hậu Giang bãi bỏ các chủ trương cho nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư, chủ trương về nguyên tắc thực hiện một số dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng ban hành Công văn số 25/UBND-NCTH về việc bãi bỏ các chủ trương cho nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu lập đề xuất đầu tư, chủ trương về nguyên tắc thực hiện dự án trên địa bàn huyện Phụng Hiệp.
Cụ thể, bãi bỏ chủ trương thống nhất về nguyên tắc cho Công ty CP Licogi 13 đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Hòa An tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp tại Công văn số 97/UBND-KT ngày 16/1/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Bãi bỏ chủ trương thống nhất về nguyên tắc cho Công ty TNHH BS Heidelberg Vietnam triển khai thực hiện các thủ tục theo quy định để đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Hậu Giang 1 tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp tại Công văn số 2276/UBND-NCTH ngày 8/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Bãi bỏ chủ trương cho Công ty CP Halcom Việt Nam tiếp cận lập dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời tại ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp tại Công văn số 509/UBND-NCTH ngày 19/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Bãi bỏ chủ trương cho Công ty Sunpro Capital Group Limited tiếp cận, khảo sát, lập dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp tại Công văn số 26/UBND-NCTH ngày 7/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.