Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 48/2021

Thứ hai, 13/12/2021 | 09:30 GMT+7
Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong 11 tháng năm 2021, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 26,88 tỷ kWh, chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

11 tháng: Năng lượng tái tạo chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống

Theo EVN, tháng 11 vừa qua, tình hình tiêu thụ điện có dấu hiệu tăng trưởng trở lại so với các tháng trước sau khi kinh tế xã hội từng bước hồi phục trong trạng thái bình thường mới. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 11/2021 đạt 20,71 tỷ kWh (tương đương khoảng 690,3 triệu kWh/ngày), tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 11 tháng đạt 233,67 tỷ kWh, tăng 3,6% so với cùng kỳ; trong đó điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 113,48 tỷ kWh, chiếm 48,56% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. 

Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 11/2021 đạt 20,71 tỷ kWh

Mức độ và tỷ lệ huy động một số loại hình nguồn điện chính trong hệ thống điện quốc gia trong 11 tháng qua như sau: 

Thủy điện đạt 72,04 tỷ kWh, chiếm 30,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện than đạt 108,32 tỷ kWh, chiếm 46,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuabin khí đạt 24,36 tỷ kWh, chiếm 10,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 26,88 tỷ kWh, chiếm 11,5% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 24,46 tỷ kWh, điện gió đạt 2,27 tỷ kWh).

Nhiệt điện dầu huy động không đáng kể, đạt 2 triệu kWh.

Điện nhập khẩu đạt 1,34 tỷ kWh, chiếm 0,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 11/2021ước đạt 19,03 tỷ kWh, tăng 4,59% so với tháng 11/2020. Lũy kế 11 tháng năm 2021 đạt 206,59 tỷ kWh, tăng 3,92% so với cùng kỳ năm 2020.

Sản lượng điện truyền tải tháng 11/2021 đạt 15,92 tỷ kWh. Lũy kế 11 tháng năm 2021, sản lượng điện truyền tải đạt 184,01 tỷ kWh, giảm 1,7% so cùng kỳ năm trước.

Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới

Tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” diễn ra mới đây nhằm tạo diễn đàn thảo luận và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện gió.

Với chiến lược khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của Chính phủ, những năm gần đây, làn sóng đầu tư các dự án điện gió đã thực sự bùng nổ với sự tham gia của hàng loạt nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.

Tính đến hiện tại, cả nước có 106 dự án điện gió đang được triển khai đầu tư xây dựng với tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tổng công suất 5.655 MW, đã có hồ sơ đăng ký đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). 

Tuy nhiên, tính đến ngày 1/11 vừa qua mới chỉ có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất hơn 3.298 MW được công nhận COD. 37 nhà máy điện gió còn lại trong danh sách chưa được công nhận COD đến thời điểm đó, hiện vẫn tiếp tục tiến trình hoàn thiện xây dựng, lắp đặt và tiến tới được thẩm định để đóng điện, hòa lưới điện. Tuy nhiên, việc áp dụng giá mua điện như thế nào với các dự án nói trên cùng với những dự án điện gió sẽ được hình thành trong thời gian tới hiện chưa được xác định.

Ngày 1/11 vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nhất trí ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, giảm thiểu khí metan…

Cam kết mạnh mẽ này của chính phủ với cộng đồng quốc tế sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức to lớn. Cơ hội lớn mở ra đó chính là làn sóng đầu tư mới của quốc tế và trong nước sẽ đổ vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo mà trong đó điện gió được dự báo sẽ là lĩnh vực hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó thì những thách thức phải đối mặt cũng là không nhỏ khi mà hàng loạt các dự án năng lượng hóa thạch… sẽ phải giảm xuống, thậm chí là tiến tới dừng triển khai thêm. Đây là những bài toán lớn của ngành năng lượng nước nhà hiện nay và trong thời gian tới, đòi hỏi phải có các chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp.

Trước thực tế này, tọa đàm “Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới” được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo diễn đàn trao đổi, thảo luận, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn; đưa ra những kiến nghị tới cơ quan chức năng về khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư, triển khai thực hiện dự án đầu tư điện gió trên địa bàn cả nước. Từ đó góp phần thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió.

Thúc đẩy cơ chế chính sách, tạo môi trường đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực điện gió

Các nhóm vấn đề chính được thảo luận tại tọa đàm gồm: Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mở ra cơ hội lớn cho phát triển năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ. Bài toán quản lý nhà nước, đầu tư kinh doanh các dự án điện gió trong bối cảnh đối mặt nhiều rủi ro: đại dịch Covid-19, đảm bảo tiến độ vận hành, giải phóng mặt bằng, bị tiết giảm công suất theo yêu cầu từ A0, giá mua điện sau 31/10/2021, cơ chế giá điện cạnh tranh trong thời gian tới, vận hành dự án, truyền tải điện và phân phối. Đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam với nhiều tiềm năng, sự vào cuộc của nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước...

Ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, để bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của điện gió chúng ta cần có sự chuẩn bị. Thứ nhất là chúng ta phải có chuỗi cung ứng. Thứ hai là các cơ chế tài chính. Bên cạnh đó, chúng ta phải có một cơ chế hỗ trợ mang tính chất bền vững, ít thay đổi, với những mục tiêu rõ ràng. Đặc biệt cần phải hoàn thiện cơ chế chia sẻ rủi ro để đảm bảo có thể đẩy mạnh được đầu tư tư nhân trong vấn đề phát triển điện gió.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng thời gian tới, các cơ quan quản lý cần xây dựng được các cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển điện gió: tạo điều kiện cho các dự án được triển khai một cách thuận lợi; cơ chế về giá phù hợp đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng...

Nghiên cứu đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành xe nhiên liệu sạch

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam về đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành xe nhiên liệu sạch tại Việt Nam.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất về chiến lược phát triển ngành xe nhiên liệu sạch để thu hút đầu tư nước ngoài tiến tới xuất khẩu trong 5 năm tới tại Việt Nam.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo như sau:

Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 10/12/2021.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, căn cứ vào nội dung Việt Nam đã cam kết về lộ trình áp dụng tiêu chí biến đổi khí hậu tại COP 26, hiện nay Việt Nam đang hợp tác sâu rộng với các nước trên thế giới cũng như khu vực để giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường, tránh ô nhiễm thì xu thế hiện nay ở các quốc gia trên toàn cầu là hướng tới phát triển xe nhiên liệu sạch.

Thực tiễn hiện nay các nước trên thế giới gồm Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và trong khu vực có Thái Lan đã đi đầu về phát triển ngành ô tô dùng nhiên liệu sạch trong sản xuất ô tô để giải quyết vấn đề thải carbon.

Ảnh minh họa

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam thấy rằng, hiện nay Việt Nam chưa xây dựng cơ chế và lộ trình cụ thể về chính sách trao đổi khí cabon và xây dựng cơ sở hạ tầng (trạm sạc điện) trên phạm vi toàn quốc.

Trong khi một số doanh nghiệp cũng đã bắt đầu phát triển sản xuất, lắp ráp xe nhiên liệu sạch trong nước để phù hợp với cam kết của Việt Nam với thế giới về việc giảm thải carbon, đồng thời phù hợp với xu hướng phát triển của các quốc gia trên thế giới hướng tới tương lai của ngành công nghiệp ô tô nhiên liệu sạch.

Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhiên liệu sạch để hòa nhập kịp thời với xu hướng phát triển chung của thế giới và khu vực, giúp cho những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam có thể sản xuất ô tô nhiên liệu sạch định hướng thị trường nội địa theo hướng bảo vệ môi trường và xuất khẩu.

Ngân Hà