Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 46/2021

Thứ hai, 29/11/2021 | 09:20 GMT+7
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ vừa phối hợp tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối tại Việt Nam” theo hình thức trực tuyến.

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển dự án điện sinh khối

Hội thảo nhằm chia sẻ tiềm năng điện sinh khối của Việt Nam, cơ hội, thách thức phát triển nguồn năng lượng này; kinh nghiệm của các nước trong việc khuyến khích phát triển điện sinh khối.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chia sẻ, Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển điện sinh khối tuy nhiên, việc khai thác các nguồn tài nguyên sinh khối này còn hạn chế. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích nhằm thu hút các nhà đầu tư nhưng cho đến nay tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện sinh khối vẫn còn rất nhỏ trong tổng công suất lắp đặt của các nhà máy điện tại Việt Nam. Vì vậy, để phát triển mạnh mẽ nguồn điện sinh khối, Việt Nam cần những giải pháp tốt hơn nhằm khuyến khích các nhà đầu tư. 

Ông Nathan Moore, Giám đốc dự án “Bảo vệ Khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM) của GIZ cho biết: “Chúng tôi tin rằng những kinh nghiệm về sinh khối bền vững được thảo luận hôm nay sẽ góp phần vào việc hiện thực hóa các dự án mới về sinh khối ở Việt Nam. Hội thảo sẽ mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về các nỗ lực chung nhằm công nhận năng lượng sinh học là một trong những giải pháp quan trọng, đóng góp vào các mục tiêu phát triển và năng lượng của Việt Nam, khi mà chúng ta đang hướng tới một tương lai giảm thiểu phát thải khí nhà kính”. 

Cần có chính sách khuyến khích phát triển bền vững nguồn điện sinh khối

Tại hội thảo, Tiến sĩ Matthias Eichelbrönner, chuyên gia quốc tế của dự án BEM và Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo thuộc Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã trình bày về tiềm năng, cơ hội và thách thức phát triển điện sinh khối, các dự án điển hình tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng này.

Sau đó là phiên thảo luận có sự tham gia trao đổi của đại diện từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Hậu Giang, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên và Hội doanh nghiệp nông dân Việt Nam. Các vị khách mời đã nhận được các câu hỏi về cơ chế hỗ trợ điện sinh khối, khó khăn và giải pháp để phát triển bền vững nguồn điện sinh khối tại Việt Nam. 

Cũng tại hội thảo, dự án BEM chính thức giới thiệu phiên bản cập nhật của cuốn “Sổ tay hướng dẫn phát triển dự án năng lượng sinh khối tại Việt Nam”. Tài liệu được Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ tại Việt Nam cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo/Bộ Công Thương cập nhật và hoàn thiện. Cuốn sổ tay gồm thông tin cụ thể về quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư trong phát triển dự án sản xuất điện sinh khối nối lưới tại Việt Nam. Cùng với cuốn sổ tay là clip và tờ rơi giới thiệu tóm tắt các bước chính trong việc phát triển và thực hiện dự án điện sinh khối tại Việt Nam.  

Nam Định: Đồng ý chủ trương xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió

UBND tỉnh Nam Định đã đồng ý chủ trương cho Công ty CP Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió.

Tháng 10/2021, Công ty CP Cơ khí Rạng Đông (thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) đề xuất đầu tư dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông tại khu công nghiệp Nam Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).

Nhà máy cơ khí Rạng Đông có công suất sản xuất thiết bị điện gió đạt 1.000MW/năm, mỗi cột tuabin có công suất từ 5 - 20MW, loại lắp đặt ngoài biển với mục tiêu sản xuất đạt tỷ lệ nội địa hóa của mỗi dự án điện gió lên đến 70%. Bên cạnh đó, Nhà máy cơ khí Rạng Đông cũng sẽ sản xuất thiết bị cơ khí công nghiệp nặng khác.

Dự kiến, dự án Nhà máy cơ khí Rạng Đông có tổng mức đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng và sẽ được khởi công xây dựng vào tháng 5/2022, hoàn thành trong năm 2024.

Ảnh minh họa

Sau đó, theo văn bản số 913/UBND-VP5 ngày 22/11/2021 của UBND tỉnh Nam Định, tỉnh này đồng ý chủ trương cho Công ty CP Cơ khí Rạng Đông được nghiên cứu, khảo sát điện gió ngoài khơi biển Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.

Theo đó, diện tích khảo sát khoảng 12.500km2. Cụ thể, ranh giới phía Bắc giáp vùng biển tỉnh Thái Bình; phía Nam giáp vùng biển tỉnh Ninh Bình; phía Tây là đường triều kiệt các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; phía Đông trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.

Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại điện gió gần 5.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Phú Yên mới đây đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trang trại phong điện HBRE An Thọ (giai đoạn 1) đối với Công ty CP HBRE Phú Yên (thuộc Tập đoàn HBRE).

Dự án trang trại phong điện HBRE An Thọ có diện tích sử dụng đất khoảng 96,4ha tại các xã An Thọ, An Hiệp và An Lĩnh thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trong đó, diện tích sử dụng đất có thời hạn khoảng 40ha; diện tích sử dụng đất tạm thời khoảng 56,4ha. Dự án có thời hạn thuê đất 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. 

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 4.956 tỷ đồng, trong đó nguồn góp của nhà đầu tư 1.080 tỷ đồng và vốn huy động 3.875 tỷ đồng.

Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại điện gió gần 5.000 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu của dự án là xây dựng nhà máy điện gió với công suất 200MW, sản lượng điện thương phẩm hàng năm ước tính 698,59GWh; phát huy nguồn năng lượng tái tạo, đáp ứng sự thiếu hụt điện năng trong quá trình phát triển công nghiệp hóa đất nước, góp phần bảo vệ môi trường; đồng thời, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Công trình xây dựng gồm 48 trụ tuabin gió kết hợp xây dựng trạm biến áp - nhà điều hành; đường dây 220kV và ngăn lộ đường dây 220kV tại trạm biến áp 220kV Tuy Hòa; đường quản lý vận hành và các hạng mục phụ trợ khác. 

Theo kế hoạch, thời gian hoàn tất các thủ tục đầu tư và đầu tư hoàn thành, đưa dự án vào vận hành khoảng tháng 6/2022.

Ngân Hà