Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 50/2022

Thứ hai, 26/12/2022 | 08:00 GMT+7
Tập đoàn Toda (Nhật Bản) đề xuất xây dựng trạm đặt máy đo thông tin gió tại vùng biển Bình Thuận của Việt Nam nhằm lấy dữ liệu báo cáo cụ thể để đưa ra đánh giá thực tế và đầy đủ về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Đối tác Nhật Bản mong muốn hợp tác về điện gió ngoài khơi với Việt Nam

Mới đây, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Toda (Nhật Bản).

Theo đánh giá của Tập đoàn Toda, thực tế công nghệ điện gió nổi ngoài khơi sẽ  góp phần thúc đẩy mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam, ngoài ra với các ưu điểm có thể tận dụng nguồn lực có sẵn tại địa phương cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế. 

Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã có tuyên bố chung về hợp tác thực hiện mục tiêu trung hòa carbon. Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp vốn cho Tập đoàn Toda để thực hiện các nghiên cứu về tiềm năng điện gió nổi ngoài khơi ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Tập đoàn đề xuất được hợp tác với các Bộ, ban ngành của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương để triển khai dự án này. Theo đó, Tập đoàn Toda đề xuất xây dựng trạm đặt máy đo thông tin gió tại vùng biển Bình Thuận của Việt Nam nhằm lấy dữ liệu báo cáo cụ thể để đưa ra đánh giá thực tế và đầy đủ về tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp và làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Toda (Nhật Bản)

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao và hoan nghênh đề xuất của Tập đoàn Toda trong việc nghiên cứu, hỗ trợ và hợp tác phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, trong tuyên bố chung giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản cũng như trong Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng đã thể hiện rất rõ việc hai bên sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hợp tác trong đầu tư, nghiên cứu phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng gió trên bờ và năng lượng gió ngoài khơi. 

Chính phủ Nhật Bản cũng đã tuyên bố gói hỗ trợ 10 tỷ Đô la cho việc chuyển đổi năng lượng ở châu Á và thống nhất chọn Việt Nam là nước triển khai thí điểm chương trình này. Do đó, đề xuất của Toda trong việc hợp tác nghiên cứu, sản xuất và đầu tư trong lĩnh vực năng lượng gió và nguồn năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với định hướng chung. 

Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ Toda trong việc xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cũng như phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam; cùng với hợp tác nghiên cứu tiềm năng điện gió sẽ là đẩy mạnh hợp tác phát triển nghiên cứu sản xuất hydrogen và amoniac xanh.

Nguồn điện gió đạt công suất phát cao nhất từ trước đến nay

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC), hệ thống điện quốc gia đã ghi nhận mức tổng công suất phát của các nguồn điện gió đạt 3.386MW vào lúc 15g20p ngày 17/12/2022 (tương đương 85% công suất lắp đặt). Trước đó, mức phát cao nhất của các nguồn điện gió được ghi nhận vào ngày 5/2/2022, với tổng công suất phát 3.077MW.

Mặc dù đến muộn nhưng gió Đông Bắc năm nay đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến toàn bộ các khu vực tập trung điện gió như Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, khiến các nguồn điện gió trên cả nước đồng loạt phát cao. Công suất thường xuyên duy trì ở mức 1.500 - 2.500MW và sản lượng điện bình quân đạt xấp xỉ 50 triệu kWh/ngày, cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 17/12/2022, nguồn điện gió đạt công suất phát cao nhất từ trước đến nay

Hiện nay, hệ thống Giám sát dữ liệu khí tượng phục vụ công tác vận hành các nguồn năng lượng tái tạo do EVNNLDC phát triển đã và đang phát huy hiệu quả cao trong việc nhận diện, đưa ra các cảnh báo kịp thời. 

Hệ thống có khả năng cung cấp thông tin giám sát thời gian thực tốc độ gió trên các khu vực dựa trên số liệu thu thập từ tất cả nhà máy năng lượng tái tạo trên cả nước; dữ liệu dự báo tốc độ gió được cập nhật liên tục tại các khu vực. Dữ liệu được hiển thị dạng biểu đồ số liệu, bản đồ địa hình, bảng dữ liệu trực quan giúp người sử dụng thuận tiện khai thác. 

Ngoài ra, hệ thống cũng đưa ra các cảnh báo trực quan cho người vận hành về cấp gió dựa trên tốc độ gió, ngưỡng ngừng tuabin khi các điều kiện gió vượt giá trị cho phép vận hành…

ADB dành 107 triệu USD hỗ trợ vận hành dự án điện gió tại Ninh Thuận

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và BIM Energy (thành viên Tập đoàn BIM Group) vừa tiến hành ký kết thành công gói tài chính trị giá 107 triệu USD nhằm hỗ trợ vận hành dự án điện gió quy mô 88MW tại tỉnh Ninh Thuận.

Dự án ước tính sẽ giảm phát thải 215.000 tấn khí CO2 mỗi năm, góp phần giúp Việt Nam đạt mục tiêu cam kết về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải ròng.

Hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là một trong hai chiến lược trụ cột chính của ADB đối với Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026. Cùng với sự kiện trở thành quốc gia thứ ba đồng ý triển khai Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với một loạt các quốc gia và tổ chức tài chính hàng đầu ngày 14/12 vừa qua, Việt Nam đang từng bước triển khai mạnh mẽ chiến lược chuyển đổi xanh.

ADB hỗ trợ vận hành dự án điện gió 88MW tại Ninh Thuận

Trưởng ban Tài chính hạ tầng Đông Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Vụ Nghiệp vụ khu vực tư nhân của ADB Jackie B. Surtani nhận định: “Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng ngay cả trong đại dịch Covid-19, sẽ là rất quan trọng khi nhu cầu này được đáp ứng bằng nguồn năng lượng sạch – yếu tố tiên quyết của một nền kinh tế phát triển bền vững. Dự án điện gió của BIM Group sẽ phát huy hơn nữa tiềm năng tự nhiên về năng lượng tái tạo và là bước tiến quan trọng tiếp đà hồi phục sau đại dịch, tiến tới hiện thực hóa mục tiêu cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Việt Nam”.

Ngoài khoản tài trợ tài chính 107 triệu USD, dự án điện gió BIM cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ không hoàn lại trị giá 5 triệu USD từ Quỹ Phát triển và Đổi mới Khí hậu do Goldman Sachs và Bloomberg Philanthropies tài trợ và do ADB quản lý. Khoản hỗ trợ không hoàn lại này được sử dụng cho các sáng kiến liên quan đến các biện pháp bảo vệ môi trường và xã hội.

Ngân Hà