Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 9/2022

Thứ hai, 14/3/2022 | 08:27 GMT+7
Theo báo cáo mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 6,65 tỷ kWh, chiếm 16,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo chiếm 16,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống

EVN cũng cho biết, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 2/2022 đạt 18,6 tỷ kWh, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm đạt 39,59 tỷ kWh, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó tỷ lệ huy động một số nguồn chính như sau: 

Thủy điện đạt 10,85 tỷ kWh, chiếm 27,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nhiệt điện than đạt 17,27 tỷ kWh, chiếm 43,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Tuabin khí đạt 4,38 tỷ kWh, chiếm 11,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) đạt 6,65 tỷ kWh, chiếm 16,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (điện mặt trời đạt 4,33 tỷ kWh, điện gió đạt 2,21 tỷ kWh).

Điện nhập khẩu đạt 318 triệu kWh, chiếm 0,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Năng lượng tái tạo chiếm 16,8% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống trong 2 tháng đầu năm 2022

Trong 2 tháng năm 2022, điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 15,86 tỷ kWh, chiếm 40,06% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống. Sản lượng điện truyền tải tháng 2/2022 đạt 13,49 tỷ kWh. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, sản lượng điện truyền tải đạt 29,75 tỷ kWh, tăng 3,3% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN tháng 2/2022 ước đạt 17,28 tỷ kWh, tăng 9,27% so với tháng 2/2021. Lũy kế 2 tháng năm 2022 đạt 35,90 tỷ kWh, tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021.

Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án điện mặt trời trên lòng hồ

UBND tỉnh Nghệ An vừa quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.

Cụ thể, dự án thứ nhất là nhà máy điện năng lượng mặt trời do Công ty CP Điện mặt trời Khe Gỗ MK làm chủ đầu tư tại khu vực hồ Khe Gỗ, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu. Dự án có công suất là 250 MWp, sản lượng điện sản xuất năm đầu tiên là 339,129 triệu kWh. Tổng mức đầu tư 4.100 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất 303,48 ha thuộc địa bàn vùng lòng hồ Khe Gỗ, xã Tân Sơn.

Dự án thứ hai là nhà máy điện năng lượng mặt trời hồ Vực Mấu do Công ty CP Đầu tư điện mặt trời hồ Vực Mấu làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng diện tích 216,23 ha tại vùng lòng hồ Vực Mấu thuộc địa bàn 3 xã là Tân Thắng, Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) và Quỳnh Trang (thị xã Hoàng Mai). Dự án có công suất 200 MWp, sản lượng điện năm đầu tiên sản xuất là 265,8 triệu kWh, tổng vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện, thị liên quan theo chức năng nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra, tham mưu kịp thời cho tỉnh đảm bảo quy trình, điều kiện đầu tư, môi trường theo quy định, tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn tất thủ tục đầu tư, khảo sát và thi công theo kế hoạch.

Dự án đã được sở, ngành chức năng tỉnh Nghệ An thẩm định bước 1, gồm hồ sơ pháp lý về năng lực và hiện trạng sử dụng đất. Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 12/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư; khởi công triển khai lắp đặt các hạng mục từ tháng 1/2023 và tháng 12/2023 sẽ khánh thành đóng điện, vận hành thương mại dự án.

Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá tác động môi trường - xã hội dự án điện sinh khối

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương vừa phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức hội thảo xây dựng Sổ tay hướng dẫn đánh giá tác động môi trường - xã hội của dự án điện sinh khối nối lưới.

Hội thảo nhằm giúp các chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu của Nhà nước và các tổ chức tài chính trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Bảo vệ khí hậu thông qua phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam” (BEM).

Theo nghiên cứu của Viện Năng lượng, trong khuôn khổ xây dựng dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tiềm năng kỹ thuật của điện sinh khối ở Việt Nam là hơn 5.300MW, tương đương sản lượng hàng năm là gần 30.700GWh với 4 nguồn sinh khối chính từ trấu, củi, bã mía, rơm rạ và các nguồn khác như lõi ngô, gáo dừa...

Các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện nói chung và điện sinh khối nói riêng đều phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn quốc gia hiện hành. Chính phủ Việt Nam đã ban hành khung khổ pháp lý đáp ứng được hầu hết các tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức IFC ở cấp độ Luật và Bộ Luật, ngoại trừ tiêu chuẩn số 7 (PS7). Một dự án muốn tiếp cận được các nguồn tài chính quốc tế (từ IFC, Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB…) sẽ cần phải tuân thủ một số các yêu cầu từ bên cho vay, trong đó có đánh giá tác động môi trường – xã hội. Do vậy, việc đánh giá tác động môi trường và xã hội là nhằm xác định các tác động tiêu cực và tích cực khi triển khai thực hiện một dự án đầu tư, từ đó xây dựng được kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp.

Các yêu cầu này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc lựa chọn người cho vay hoặc cùng tham gia đầu tư. Ngoài các yêu cầu và tiêu chuẩn nói trên, tùy thuộc vào đặc điểm và vị trí của dự án, dự án có thể phải tuân thủ một hoặc nhiều tiêu chuẩn và công ước như Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu (UNFCC), Công ước của Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học.

Việc đánh giá tác động môi trường và xã hội nhằm xác định các tác động tiêu cực và tích cực khi triển khai thực hiện một dự án đầu tư, từ đó xây dựng được kế hoạch quản lý rủi ro phù hợp

Tại hội thảo, dự thảo Sổ tay hướng dẫn về đánh giá tác động môi trường – xã hội của dự án điện sinh khối đã được giới thiệu, giúp các nhà đầu tư có những hiểu biết chung để tiến hành đánh giá tác động môi trường và xã hội cho các dự án điện sinh khối. Đồng thời, tài liệu này sẽ là kim chỉ nam cho các cán bộ ngân hàng và các cơ quan chức năng nắm được những vấn đề/nguy cơ tiềm ẩn của điện sinh khối để rút ngắn được thời gian thẩm định, phê duyệt. 

Nội dung chính của tài liệu dự kiến gồm 3 phần:

Các đặc tính của nhà máy điện sinh khối: cung cấp các thông tin cơ bản về loại và đặc điểm của nguyên liệu, công nghệ, thiết bị, vận hành nhà máy điện sinh khối và khuôn khổ quốc gia về điện sinh khối cùng các vấn đề về môi trường - xã hội liên quan.

Đánh giá tác động môi trường và xã hội: giới thiệu các nguyên tắc và các bước thực hiện việc đánh giá.

Mẫu và các biểu mẫu: hướng dẫn cách ghi lại dữ liệu, thông tin trong suốt quá trình thực hiện đánh giá để báo cáo.

Ngân Hà