Bảo tồn rùa biển và môi trường biển

Thứ năm, 20/6/2024 | 10:58 GMT+7
Ngày 19/6, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tổ chức chương trình tổng kết Hành trình 10 năm – Chương trình bảo tồn rùa biển IUCN, trong khuôn khổ dự án Bảo tồn bãi đẻ rùa biển có sự tham gia của cộng đồng và giảm đánh bắt không chủ ý tại Việt Nam.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện IUCN cho biết, từ năm 2014 đến nay, IUCN đã tổ chức nhiều chương trình tình nguyện bảo tồn rùa biển tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam, bắt đầu từ Côn Đảo, sau đó mở rộng ra những nơi khác như vườn quốc gia Núi Chúa, khu bảo tồn biển Hòn Cau. Trong khuôn khổ các chương trình tình nguyện, IUCN góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, bắt đầu từ các tình nguyện viên. Sau đó, mỗi tình nguyện viên sẽ trở thành “đại sứ rùa biển” giúp cộng đồng xung quanh hiểu hơn về bảo tồn rùa biển, bảo tồn môi trường biển và đa dạng sinh học nói chung.

Bảo tồn rùa biển và bãi đẻ rùa biển

Phát biểu tại chương trình tổng kết, bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của IUCN tại Việt Nam cho biết, IUCN coi rùa biển là một loài có thể nêu bật các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường biển, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nguyên nhân là do trong vòng đời của mình, rùa biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, bao gồm nguy cơ từ hoạt động đánh bắt thủy sản. Nếu hoạt động đánh bắt diễn ra dày đặc, rùa biển có thể bị dính lưới và chết. Ô nhiễm môi trường cũng là một yếu tố tác động lớn đến rùa biển. Theo các nghiên cứu trên thế giới, 90% rùa con ăn phải rác thải nhựa vì tưởng các mảnh nhựa là phù du hoặc thực vật, dẫn đế bị tắc ruột và chết. 

Bà Bùi Thị Thu Hiền thông tin thêm về hoạt động bảo tồn rùa biển của IUCN, để bảo tồn rùa biển hiệu quả cần hiểu hơn về đặc tính sinh học và đời sống của rùa. IUCN đã và đang triển khai hỗ trợ các bạn tình nguyện viên và các vườn quốc gia nghiên cứu dữ liệu rùa biển, số lượng trứng rùa được đẻ theo mùa; nghiên cứu về bãi ấp cũng như tỷ lệ rùa con nở từ trứng.

Bên cạnh đó, IUCN cũng triển khai công tác truyền thông, giáo dục cùng các bên cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo điều kiện tốt nhất tại bãi rùa đẻ, thành lập các khu vực cấm đánh bắt theo mùa cũng như một số chương trình khác mang tính chính sách ở cấp cao hơn.

Tại sự kiện, các cựu tình nguyện viên tham gia Chương trình bảo tồn rùa biển IUCN đã chia sẻ về trải nghiệm, ấn tượng của mình sau các chuyến "hòa mình" với rùa biển của IUCN.

Được biết, việc khai thác các loài thủy sản bằng ngư cụ được coi là một trong những mối đe dọa chính đối với lợi nhuận và tính bền vững của nghề cá, cũng như đối với đa dạng sinh học biển. Ở Việt Nam, khai thác không chủ ý đối với các loài nguy cấp quý hiếm được pháp luật bảo vệ như rùa biển hiện là vấn đề phức tạp, chưa nhận được nhiều sự quan tâm của nhà quản lý, cộng đồng ngư dân và giới khoa học.

Hơn nữa, các quy định bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm chủ yếu mới dừng lại ở việc cấm khai thác chủ động, thiết lập các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn trong năm để bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nói riêng.

Vì vậy, trong buổi làm việc, các chuyên gia cùng thống nhất đề xuất về nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn tình trạng khai thác không chủ ý các loài rùa biển, góp phần bảo tồn rùa biển ở Việt Nam.

Khánh An (T/H)