Quản lý chất thải hóa học để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường

Thứ tư, 19/6/2024 | 16:53 GMT+7
Ngày 19/6, tại Hà Nội, tọa đàm "Tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ đến môi trường và sức khỏe con người: Thách thức và giải pháp" thu hút đông đảo chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường trong nước và quốc tế.

Theo đó, tại hội thảo, Hiệu trưởng trường Năng lượng và Môi trường, Đại học Thành phố Hồng Kông (Trung Quốc) Kenneth Leung cho biết, ngành hóa chất đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng việc lạm dụng chúng đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường cũng như sức khỏe. Nhiều loại hóa chất mới được đưa ra thị trường mỗi năm mà không có đủ thông tin về độc tính hay khả năng tồn lưu trong môi trường. Chất ô nhiễm hữu cơ không chỉ gây hại cho sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến chất lượng nước, đa dạng sinh học biển và toàn bộ hệ sinh thái.

Theo ông Từ Bình Minh, giảng viên cao cấp và chuyên gia trong lĩnh vực hóa học phân tích và hóa học môi trường tại khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, hơn hai thập kỷ qua, Việt Nam đã rất nỗ lực để giải quyết vấn đề chất ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là dioxin sót lại sau chiến tranh. Tuy nhiên, những hóa chất mới vẫn là vấn đề nan giải. Các khu vực thu gom và tái chế thủ công ở Việt Nam là điểm nóng ô nhiễm, nơi các chất độc hại như Polybrominated Diphenyl Ethers (PBDE) và Hydrocacbon thơm đa vòng (PAH) tồn tại với hàm lượng cao. Mức độ phơi nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết (EDC) trong nhà ở Việt Nam cũng tương đối cao so với một số nước công nghiệp phát triển. Ngoài ra, những người làm việc trong môi trường có khả năng phát thải EDC, chẳng hạn như các khu công nghiệp và các khu thu gom tái chế rác thải thủ công cũng rất dễ bị tổn thương.

Quang cảnh tọa đàm

GS. Ming Hung Wong, giáo sư cố vấn và chủ nhiệm nghiên cứu (Khoa học Môi trường) tại Đại học Giáo dục Hồng Kông cho biết, tình trạng ô nhiễm nhựa đang rất nghiêm trọng ở châu Á. Người dân thường xuyên sử dụng túi nilon, hộp nhựa để đựng thực phẩm, thậm chí là hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng trong hộp nhựa, khiến các hóa chất độc hại dễ dàng nhiễm vào thực phẩm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên liên quan bao gồm cơ quan Chính phủ, cộng đồng địa phương, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học.

GS. Kenneth Leung đã nhấn mạnh vai trò của giám sát môi trường đối với công tác quản lý chất lượng nước; cũng như khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng xanh như hệ thống xử lý nước thải, song song chia sẻ công nghệ và hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm thiểu ô nhiễm trên toàn cầu. Mỗi quốc gia cần nỗ lực bảo vệ các tuyến đường thủy và cửa sông; chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ các quốc gia khác, đặc biệt là các nước đang phát triển trong công tác xử lý nước thải, quản lý chất thải và giám sát ô nhiễm.

Theo GS. Ming Hung Wong, cần phải có các quy định chặt chẽ hơn về việc sản xuất và sử dụng hóa chất; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của hóa chất đối với sức khỏe và môi trường.

PGS. Từ Bình Minh đề xuất, Việt Nam cần tăng cường năng lực quốc gia về đo lường và giám sát các hóa chất này; đồng thời cần tích cực tham gia vào các chương trình hợp tác, giám sát quốc tế để tiếp cận kiến thức, nguồn lực và chuyên môn tốt nhất.

Gia Bách (T/H)