Sửa đổi, bổ sung một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực biển và hải đảo

Thứ ba, 18/6/2024 | 15:19 GMT+7
Theo Quyết định số 1524/QĐ-BTNMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Cụ thể, danh mục thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp Trung ương gồm 2 thủ tục hành chính là khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử; khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu, do Trung tâm Thông tin, dữ liệu biển và hải đảo quốc gia, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm cơ quan thực hiện.

Ảnh minh họa

Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh gồm 2 thủ tục hành chính là: khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua mạng điện tử; khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu. Cơ quan thực hiện: Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định này sẽ thay thế các thủ tục hành chính tương ứng trong danh mục thủ tục hành chính cấp Trung ương và cấp địa phương đã được công bố tại Quyết định số 1299/QĐBTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo... Những năm qua, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Giai đoạn 2011 - 2022, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế cả nước. Kinh tế đảo cũng có sự chuyển biến căn bản, góp phần hình thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo, quần đảo của Việt Nam.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển và quy định chi tiết một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố trên biển.

Lâm Bảo (T/H)