Nông nghiệp sạch

Bến Tre phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Thứ sáu, 5/5/2023 | 15:27 GMT+7
UBND tỉnh Bến Tre vừa tổ chức Hội nghị Giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô 300ha huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 được đánh giá là năm mà nghề nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nước lợ nói riêng của tỉnh Bến Tre đạt kết quả khả quan. Cụ thể, diện tích nuôi thủy sản của tỉnh đạt trên 47.500ha, với sản lượng đạt hơn 310.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh xoay vòng đạt hơn 12.500ha, với sản lượng tôm nước lợ nuôi đạt trên 83.000 tấn, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh (GRDP) khu vực I là 3,27 %, trong đó ngành thủy sản đóng góp 6%.

Hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre đã đầu tư cho mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được hơn 2.560/4.000ha đạt hiệu quả cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh, để mô hình tiếp tục được nhân rộng, tăng thêm 500ha trong năm 2023 và phát triển ổn định cho những năm tiếp theo, tỉnh đã có giải pháp phù hợp, trong đó đẩy mạnh liên kết sản xuất tập trung, quy mô, theo chuỗi giá trị; không ngừng cải tiến quy trình nuôi, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung theo định hướng của tỉnh; định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung công nghệ cao tại Bình Đại; phân tích nhu cầu thị trường đối với ngành tôm và định hướng phối hợp phát triển vùng sản xuất tập trung công nghệ cao tại Bình Đại; một số quy trình kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả; ứng dụng công nghệ trong quản lý nuôi tôm nước lợ; tầm quan trọng của các tiêu chuẩn chứng nhận của ngành tôm đối với thị trường…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, hiện có nhiều tiêu chuẩn chứng nhận đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam như: GlobalGAP, ASC, BAP, Naturland, VietGAP… Trong đó, các tiêu chuẩn quan trọng được áp dụng phổ biến cho nuôi tôm xuất khẩu hiện nay là ASC, GlobalGAP và BAP. Các tiêu chuẩn này đều tập trung vào đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; an toàn dịch bệnh; an toàn môi trường; an toàn xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Tuy nhiên, mỗi tiêu chuẩn đều ứng với từng thị trường xuất khẩu có những yêu cầu, chỉ tiêu đánh giá cụ thể khác nhau.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, để phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ổn định và bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tập trung tham mưu thực hiện phát triển 4.000ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có con tôm nước lợ.

Bên cạnh đó, quan tâm quy hoạch vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh, huyện; nghiên cứu chọn lọc, cải tiến và nhân rộng các mô hình hiệu quả, phù hợp với điều kiện vùng nuôi nhưng phải đảm bảo giữ tốt môi trường và an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tham mưu kêu gọi đầu tư các cơ sở sản xuất giống tôm sạch bệnh, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển thủy sản, nhất là các vùng quy hoạch nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tập trung... để làm cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và bà con có hướng sản xuất hiệu quả.

Mỹ Dung