COP26 – Lộ trình phát triển thị trường carbon trong nước

Thứ ba, 12/9/2023 | 09:00 GMT+7
Để đạt được mức thải ròng bằng “0” năm 2050, Việt Nam đang từng bước phát triển thị trường carbon trong nước tập trung vào việc bắt buộc mua bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính, đồng thời xem xét hội nhập thị trường quốc tế.

Theo đó Việt Nam đưa ra lộ trình đến năm 2028 sẽ có thị trường carbon trong nước chính thức, đối với điều kiện hiện nay kế hoạch có khả thi hay không, cần phải làm gì để xây dựng và vận hành thị trường này trong khoảng thời gian 5 năm tới, đây là nội dung sẽ được phát sóng trong chương trình COP26. Chương trình có sự tham gia đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP.

Thuật ngữ thị trường carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto 1977 của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, do đó thị trường tín chỉ carbon được xem là một trong những giải pháp quan trọng. Để hạn chế lượng khí thải phát sinh gây ra hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, dựa trên việc trao đổi hạn ngạch khí thải, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng phát thải lớn buộc phải trả tiền để mua thêm quyền được phát thải và ngược lại những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có lượng mức phát thải thấp hoặc có khả năng lưu trữ, thu hồi khí thải sẽ nhận thêm được nguồn lợi tài chính. Nói cách khác, thị trường tín chỉ carbon là công cụ bảo vệ môi trường, dựa trên cơ chế thị trường và nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, đây cũng là cách tiếp cận mới của Việt Nam được đưa ra từ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quyết định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó để vận hành thị trường carbon, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 3 nhiệm vụ chính: thiết lập kiểm kê khí nhà kính quốc gia; xây dựng hệ thống đo đạc báo cáo thẩm định kiểm soát nguồn phát thải lớn; thiết lập thị trường carbon cũng chính là hệ thống mua bán phát thải.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028, quy định các hoạt động kết nối trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới. Các chuyên gia cũng cho rằng, để tiến hành xây dựng và vận hành thị trường tín chỉ carbon một cách hiệu quả, các cơ quan, ban ngành liên quan phải nhanh chóng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ bây giờ.

Các chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể xây dựng thành công thị trường này đó là phải kiểm kê được phát thải bởi đây là căn cứ đầu tiên để làm cơ sở cho các doanh nghiệp khẳng định mình là đối tượng nào trong quy định hạn ngạch phát thải khí nhà kính. Cùng với đó các chuyên gia cũng đánh giá thị trường carbon là thị trường phức tạp, nó được xây dựng mô hình giống như thị trường chứng khoán và thị trường tài chính. Như vậy nó cần có sản phẩm công cụ để giao dịch trên thị trường, nó cũng cần có người môi giới, quỹ đầu tư và các hệ thống thị trường để niêm yết, quản lý để có thể giao dịch được. Nếu chúng ta không phát triển thành công thị trường này thì chắc chắn các nước xung quanh chúng ta sẽ hấp thụ hết các giao dịch giống hiện nay chúng ta đang giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Là một trong 6 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết xanh được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng vẫn có những đóng góp đi đầu cho ngôi nhà chung an toàn của nhân loại. Với những tiềm năng và cơ hội sẵn có cùng cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện, sự tham gia tích cực và có trách nhiệm của các doanh nghiệp, hy vọng Việt Nam sẽ có một thị trường carbon hoàn chỉnh, đáp ứng mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình “COP26”  được phát sóng vào lúc 21h thứ 7 và phát lại lúc 18h chủ nhật hàng tuần với các nội dung chính như sau:

Phần 1: Hành động của Việt Nam

Phần 2: Net Zero

Phần 3: RED +++

Phần 4: Thị trường chứng chỉ carbon

Phần 5: Tương lai của năng lượng

Phần 6: Hành động của Việt Nam

Phần 7: Câu chuyện quốc tế

Phần 8: Điều đó phụ thuộc hành động của bạn.

PV