Sức khỏe

Các chuyên gia y tế thảo luận về tim mạch can thiệp

Thứ bảy, 10/12/2022 | 18:00 GMT+7
Ngày 10/12, Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị Tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ VIII với chủ đề “Phát triển giải pháp cho thách thức trong thực hành lâm sàng” (Develop solutions for practice challengers).

Hội nghị bao gồm 27 phiên họp khoa học, 160 bài báo cáo trực tiếp, có 2 phiên quốc tế do Hội Tim mạch can thiệp quốc gia Việt Nam (VSIC) phối hợp Hội Tim mạch can thiệp Hoa Kỳ (SCAI) và Hội Tim mạch can thiệp châu Á - Thái Bình Dương (APSIC) thực hiện.

Theo báo cáo tại hội nghị, tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng số các mặt bệnh tật và chiếm 72% tổng số ca tử vong, trong đó số ca liên quan đến các bệnh lý tim mạch chiếm 30%.

Hội nghị Tim mạch học can thiệp toàn quốc lần thứ VIII

Khoảng hơn 30 năm trước đây, nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất hiếm gặp, nhưng hiện nay, bệnh này đã trở nên phổ biến. Do đó, tim mạch can thiệp đang và sẽ là chuyên ngành mũi nhọn trong ngành tim mạch học Việt Nam và là chính sách y tế công cộng cần được chú trọng trong thời gian tới. Đây cũng sẽ là tiếng nói chuyên môn tin cậy để Bộ Y tế tham khảo, xây dựng kế hoạch hành động cũng như giải pháp đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo con người để áp dụng kỹ thuật hiện đại, góp phần giảm tỉ lệ tử vong do các bệnh lý tim mạch gây ra.

PGS. TS Hồ Thượng Dũng, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, Chủ tịch Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam cho biết, với mỗi người bác sĩ, kỹ thuật giỏi là điều vô cùng quan trọng, có kỹ thuật tốt, hiện đại mới có thể cứu chữa được cho bệnh nhân. Trong khi đó, kỹ thuật trong tim mạch can thiệp cần liên tục có sự cập nhật, tiến bộ từ nền y học trên toàn thế giới. Vì vậy, cần thiết phải tổ chức Hội nghị Tim mạch học can thiệp hàng năm. Đây là dịp thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ y, bác sĩ tim mạch can thiệp cả trong nước và quốc tế, từ đó tạo cơ hội để các bác sĩ chuyên ngành tim mạch can thiệp toàn quốc cập nhật, chia sẻ những kiến thức mới, các kỹ thuật tiên tiến nhất đang được ứng dụng trên thế giới trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý tim mạch.

Chủ tịch Phân hội Tim mạch học can thiệp Việt Nam chia sẻ, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, tim mạch can thiệp Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ hàng trăm bác sĩ có thể thực hiện thành thạo các kỹ thuật can thiệp khó, nhiều bác sĩ tim mạch can thiệp của Việt Nam trở thành chuyên gia hàng đầu tại châu Á và trên thế giới, thường xuyên được mời giảng dạy, tham gia đoàn chủ tịch, tham gia mổ trình diễn ở nhiều hội nghị tim mạch can thiệp quốc tế và được mời chuyển giao kỹ thuật tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Indonesia…

Trong khuôn khổ hội nghị, triển lãm khoa học chuyên ngành tim mạch và các lĩnh vực liên quan quy mô lớn đã được tổ chức. Chương trình diễn ra chuyên nghiệp, giới thiệu tới đông đảo đại biểu tham gia những máy móc, kỹ thuật mới nhất trong ngành tim mạch can thiệp nói riêng và điều trị các bệnh tim mạch nói chung.

Mỹ Dung