Trong nước

Các doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19

Thứ hai, 20/12/2021 | 09:03 GMT+7
Tại diễn đàn “Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu – châu Mỹ” do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (17/12), các chuyên gia đều nhận định những khó khăn mà ngành logistics đã và đang phải đối mặt trong thời gian qua dưới tác động của đại dịch Covid-19 như vấn đề chi phí dịch vụ, các nút thắt về cơ sở hạ tầng, kho bãi, thiết bị... Tác động của dịch bệnh Covid-19 lên dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư toàn cầu, gây ra sự ùn tắc trên các tuyến vận tải container, đặc biệt là tại các tuyến vận tải đi khu vực châu Âu – châu Mỹ, thiếu container rỗng diện rộng tiếp nối từ năm 2020, đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Âu- Mỹ. Đại diện của Hiệp hội VASEP, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký, đã chia sẻ về những lo lắng về chi phí, giá cược vận tải logistics gia tăng khiến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó trong việc tận dụng “cơ hội vàng” trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao ở các thị trường Âu – Mỹ. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP.

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2021, trong 9 tháng năm 2021, số DN vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ số DN lĩnh vực vận, tải kho bãi đăng ký thành lập mới so với tổng số DN cả nước vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 4,08%, với số vốn chiếm 1,88% và số lao động chiếm 3,04%. Điều này cho thấy quy mô vốn của các DN trong ngành vẫn còn hạn chế.

Cũng trong 9 tháng năm 2021, có 2.509 DN vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 5,56% tổng số DN tạm ngừng hoạt động của cả nước. Đồng thời có 571 số DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 4,46% tổng số DN giải thể của cả nước.

Đáng chú ý, hiện có hơn 4.000 DN logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Chất lượng dịch vụ của các DN ngày càng được nâng cao nhờ tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, cải tiến quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các DN logistics cung cấp dịch vụ cho thị trường châu Âu, Mỹ và Trung Quốc. Một số DN logistics cũng đã tham gia chương trình Hộ chiếu logistics thế giới (WLP) và nâng cao chất lượng cải thiện mối quan hệ với khách hàng quốc tế.

Tuy nhiên, các DN logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các DN logistics nước ngoài. Chưa kể, DN dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 95%), nhưng đa số là các DN nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao, vì vậy doanh thu của các DN logistics nước ngoài luôn chiếm thị phần logistics cao hơn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia đều nhận định, quy hoạch cơ sở hạ tầng logistics ở Việt Nam còn mang tính rời rạc, chưa có quy hoạch nào kết nối giữa đường bộ và đường thuỷ (đây là hai phương thức chủ đạo trong vận chuyển hàng hoá). Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn xếp dỡ hàng hóa của hai phương thức này cũng chưa được thống nhất dẫn đến tăng thời gian vận chuyển từ nhà máy đến cảng xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn chưa có thực lực, chưa có phương tiện. Ví dụ Việt Nam không có hãng tàu biển nào lớn có thể vận chuyển hàng xuyên lục địa. Việc khai thác logistics chủ yếu dựa vào hạ tầng cầu cảng do dó phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài. Thông thường, các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ, đơn nhất của trong chuỗi dây chuyền cung ứng với giá trị gia tăng thấp. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương nhận định: Doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics gây ra nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện logistics…

Bởi vậy, giải pháp cho tình trạng nêu trên, các chuyên gia đều nhận định việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics là vô cùng cấp thiết, trong đó nhấn mạnh việc phát triển vận tải đa phương thức, trong đó cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành logistics, để doanh nghiệp Việt Nam kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới.

 

Thanh Dung