Cụ thể, theo Kế hoạch số 2195/KH-UBND của UBND tỉnh Gia Lai về việc thực hiện Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn đến năm 2030, tỉnh đã đặt mục phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp; đồng thời tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái chế và tái sử dụng; giảm thiểu các yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, kết nối bền vững, khép kín chuỗi giá trị nông sản, tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Gia Lai phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phát thải thấp.
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/9/27/phan-huu-co-20240927114241871.jpg)
Gia Lai phấn đấu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2030 đạt ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh giảm 0,5 - 1%/năm.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Gia Lai đặt chỉ tiêu đến năm 2030 đạt 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực được xử lý, tái chế, tái sử dụng. Đối với chăn nuôi, tỉnh phấn đấu đạt 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ, kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng. Về lâm nghiệp, phấn đấu 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc các sản phẩm từ gỗ như gỗ ván nhân tạo.
UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối trong hoạt động phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh.
Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương triển khai các nhiệm vụ phát triển thị trường cho sản phẩm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, công nhận lẫn nhau cho các sản phâm hàng hóa và dịch vụ từ mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; hướng dẫn tiêu chí, tiêu chuẩn về môi trường làm cơ sở căn cứ đánh giá mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; chủ động lồng ghép việc thực hiện phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong các kế hoạch sản xuất, chương trình, dự án về nông nghiệp, nông thôn của địa phương. Tổ chức thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, triển khai các cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn gắn với các cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch.