Nông nghiệp sạch

Cần Thơ: Dự án canh tác lúa thông minh, phát thải thấp cho kết quả khả quan

Thứ sáu, 7/6/2024 | 10:39 GMT+7
Ngày 6/6, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Bayer Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động tập huấn, thăm đồng và tọa đàm đánh giá hiệu quả Dự án canh tác lúa bền vững hướng tới tương lai (ForwardFarming) tại khu ruộng thực nghiệm ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, Cần Thơ.

Dự án nhằm hỗ trợ thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030; giúp nông dân nâng cao hiệu quả canh tác lúa gắn với giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Trong khuôn khổ dự án, các hộ nông dân tham gia được hỗ trợ ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến trên mô hình ruộng thực nghiệm, giảm các vật tư đầu vào đồng thời kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường; nâng cao năng lực, kiến thức canh tác bền vững cho người nông dân thông qua các chương trình tập huấn; thúc đẩy hợp tác công tư trong toàn chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Thực nghiệm mô hình canh tác lúa bền vững hướng tới tương lai 

Đánh giá kết quả sau khi triển khai thực nghiệm dự án ở xã Đông Thuận, các chuyên gia nhận thấy mô hình triển khai đã cho hiệu quả rõ rệt của việc kết hợp phương thức bón phân tối ưu kết hợp tưới tiêu hợp lý và ứng dụng đồng bộ các giải pháp canh tác lúa thông minh, phát thải thấp.

Mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm 2,5 - 3 lần lượng giống gieo sạ (60kg giống/ha so với canh tác truyền thống 150 - 180kg/ha); giảm gần 50% lượng nước tưới (tương đương với 110 m3/ha/cây); giảm lượng phát thải khí nhà kính 24,7%; giảm 1,5 - 4 triệu đồng/ha chi phí đầu vào. Hiệu quả kinh tế tăng 13,1 - 54,9% so với mô hình canh tác truyền thống.

Dự án còn đào tạo, tập huấn cho hơn 4.500 nông dân tại Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang về canh tác lúa chất lượng cao, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn, có trách nhiệm, áp dụng các biện pháp giảm phát thải trong canh tác phù hợp với tập quán nhà nông, điều kiện địa phương.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dự án ForwardFarming đã sử dụng giải pháp cơ giới hóa đặc biệt trong khâu xuống giống, sạ cụm. Qua quan sát trên đồng ruộng, có thể thấy rõ mặc dù lượng cây giống ít nhưng có tỷ lệ phát triển ngang bằng, thậm chí hơn so với canh tác thông thường.

Hơn nữa, dự án còn giúp tiết kiệm phân bón tối đa khi dùng máy sạ kết hợp với vùi phân bởi nếu bón trên mặt ruộng thì dễ thất thoát, bốc hơi, trôi đi. Dự án còn áp dụng các giải pháp phù hợp về thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tiết kiệm thuốc, tiết kiệm nước tưới, giảm phát thải ra môi trường. Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, mô hình sẽ sớm được nhân rộng, đóng góp đáng kể cho Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai tại đồng bằng sông Cửu Long.

Lâm Bảo (T/H)