Sản phẩm, công nghệ

Chế tạo hệ thống phao nổi cho dự án điện mặt trời

Thứ ba, 8/9/2020 | 09:17 GMT+7
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời, mở ra triển vọng phát triển các sản phẩm thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo mang thương hiệu Việt Nam.

Thạc sĩ Nguyễn Hà An, Giám đốc Trung tâm Cơ điện thủy (Viện Nghiên cứu cơ khí) cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch sản xuất điện mặt trời khoảng 12.000MW vào năm 2030.

Tuy nhiên, điện mặt trời cần diện tích để chứa các tấm pin tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các tấm pin đặt trên mặt đất chiếm diện tích lớn, gây khó khăn trong đầu tư phát triển điện mặt trời bởi chi phí giải phóng mặt bằng, chiếm quỹ đất tại các địa phương. Để khắc phục khó khăn, thế giới đã nghiên cứu tận dụng hồ thủy điện, thủy lợi để đặt nhà máy. Một ưu điểm nữa là đặt các tấm pin trên mặt nước hiệu suất cao hơn trên mặt đất do nước bốc hơi làm mát.

Theo thống kê, đến nay, cả nước đã có khoảng hơn 30 dự án điện mặt trời nổi được các nhà đầu tư trong và ngoài nước xúc tiến, lập dự án với công suất từ 20 - trên 300MW, tập trung chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Trong các dự án điện mặt trời nổi, hệ thống phao nổi đỡ các tấm pin và hệ thống phụ trợ chiếm tỷ trọng khoảng 40% giá trị thiết bị dự án.

Thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời

Trước nhu cầu và cơ hội, việc nghiên cứu, đầu tư hợp tác sản xuất các hệ thống phao nổi, neo phục vụ dự án điện mặt trời vô cùng cần thiết và cấp bách. Theo đó, Viện Nghiên cứu cơ khí đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời. Viện đã tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát nhà máy điện mặt trời tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan và tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước.

Đặc biệt, Viện đã trúng thầu thực hiện "Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo" với công suất 47,5MW cho dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Công trình được đưa vào lắp đặt ổn định tại hồ Đa Mi với hệ pin mặt trời nổi trên hồ được đấu nối đồng bộ với hệ thống phao và thiết bị điện, điều khiển với công suất 47,5MW. Hệ thống phao được neo giữ trên lòng hồ nhờ hệ thống cáp neo chuyên dụng, đảm bảo thích nghi với mọi điều kiện thời tiết trên lòng hồ…

Thạc sĩ Nguyễn Hà An cho hay, trong quá trình thực hiện, những vấn đề công nghệ lớn, phức tạp gặp nhiều khó khăn do chưa có tiêu chuẩn tính toán, thiết kế và thử nghiệm sản phẩm của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc thiết kế hệ thống neo cho dự án, do lần đầu trong nước thực hiện với giao động mực nước tại các hồ thủy điện trong năm rất lớn, từ 4 - 40m, việc tính toán hệ thống neo để đảm bảo ổn định trong quá trình vận hành rất quan trọng. Đối với hồ Đa Mi, giao động mực nước trong quá trình vận hành chỉ khoảng 4m. "Tuy nhiên, từ thành công của dự án kết hợp với các kinh nghiệm, công nghệ thu được, Viện đã tự tin để tính toán các hệ thống neo với mức độ giao động mực nước lớn hơn", Thạc sĩ Nguyễn Hà An khẳng định.

Theo congthuong.vn