Khoa học công nghệ

Chia sẻ kinh nghiệm vận hành lưới điện truyền tải từ Anh quốc

Thứ hai, 6/12/2021 | 14:06 GMT+7
Các chuyên gia từ National Grid – một trong những đơn vị lớn nhất thế giới về truyền tải, phân phối điện năng và khí đốt của Anh quốc đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế về vận hành lưới truyền tải với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT).

Theo đó, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã vừa phối hợp với Đại sứ quán Anh và Tổng Lãnh sự quán Anh tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Các ứng dụng kỹ thuật mới, quy định áp dụng trên lưới điện Anh quốc”. 

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, bà Emily Hamblin, Tổng Lãnh sự quán Anh kiêm Giám đốc Cơ quan Thương mại Anh quốc nhấn mạnh: “Năm 2021 đang kết thúc, đánh dấu mốc hợp tác song phương bền chặt giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Thỏa thuận Thương mại Tự do Anh - Việt có hiệu lực từ tháng 5/2021 và tất cả đều thấy rõ đóng góp lớn của Việt Nam đối với kết quả Hội nghị COP26 – Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu do Vương quốc Anh chủ trì tại Glasgow vào đầu tháng 11. 

Tôi vui mừng rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam đã tham dự Hội nghị COP26 và thông báo mục tiêu của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như Việt Nam ủng hộ kế hoạch chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (NLTT), hỗ trợ thích ứng với tác động biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tôi cũng rất vui mừng được thấy Việt Nam đã nỗ lực để phát huy tiềm năng chuyển đổi của NLTT, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời”.

“Để đạt được các mục tiêu trên, ngành năng lượng nói chung và truyền tải điện nói riêng cần hoàn thiện một khung chính sách phù hợp, hiệu quả. National Grid – một trong những đơn vị lớn nhất thế giới về truyền tải, phân phối điện năng và khí đốt sẽ chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhằm giúp quý đại biểu và EVNNPT có thêm thông tin để xem xét ứng dụng đối với lưới điện Việt Nam”, bà Emily Hamblin cho biết.

Hội thảo trực tuyến “Các ứng dụng kỹ thuật mới, quy định áp dụng trên lưới điện Anh quốc”

Phó Tổng giám EVNNPT Lưu Việt Tiến chia sẻ: “Hiện nay, lưới truyền tải điện của Việt Nam có quy mô lớn trong khu vực với  trên 27.000 km đường dây 500kV và 220kV, xếp thứ 1 ASEAN; 170 trạm biến áp 500kV và 220kV với tổng dung lượng TBA 107.000 MVA, xếp thứ 4 ASEAN.

Trong quá trình đầu tư xây dựng và quản lý vận hành lưới truyền tải điện với quy mô lớn như trên, EVNNPT đã và đang đối diện với nhiều thách thức. Trước hết, là nhu cầu đầu tư xây dựng lưới truyền tải điện tương thích với tốc độ tăng trưởng phụ tải trung bình 10% mỗi năm. Theo đó, giai đoạn 2021 – 2030, đòi hỏi quy mô đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải của EVNNPT tăng 2 - 3 lần so với hiện tại. Kéo theo đó là các thách thức trong công tác vận hành khi kết cấu lưới điện ngày càng phức tạp, tỷ lệ thâm nhập NLTT ngày càng tăng cao”.

Ông Lưu Việt Tiến cho biết thêm: “Hiện tại NLTT đang chiếm tỷ lệ 27,6%. Trong thời gian tới, sản lượng điện NLTT hòa lưới sẽ tiếp tục tăng mạnh, dự kiến lũy kế đến năm 2045 sẽ tăng lên khoảng 44%, đặt ra nhiều thách thức cho lưới truyền tải điện. EVNNPT sẽ cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng cũng như nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ mới, hiện đại để đảm bảo giải tỏa hết công suất các nguồn điện NLTT theo yêu cầu.

Để đáp ứng thực tế nêu trên, EVNNPT đang triển khai áp dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý, vận hành như: hệ thống điều khiển tích hợp trạm biến áp; hệ thống giám sát nhiệt động đường dây; hệ thống định vị sự cố; hệ thống quan trắc sét; hệ thống thông tin địa lý GIS; ứng dụng thiết bị bay trong bảo dưỡng và sửa chữa lưới điện...”.

Trình bày tại hội thảo, ông Craige Dyke, Trưởng phòng hóa khử carbon của National Grid cho biết, vận hành hệ thống truyền tải điện khi có tỷ trọng NLTT cao thực sự là khó khăn, thách thức lớn, cần được hỗ trợ bởi khung pháp lý, chính sách và công nghệ phù hợp. Tại Anh, việc nối lưới các nguồn NLTT cũng đã trải qua khó khăn lớn, hệ thống phân phối từng bị tắc nghẽn do tỷ trọng cao NLTT đưa vào hệ thống. Vấn đề đặt ra cả trong quy hoạch và vận hành, trong việc dự báo tin cậy sản lượng điện tái tạo và xác định vai trò NLTT trong cân bằng hệ thống. 

Tại Anh quốc, đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia mua các dịch vụ để cân bằng cung cầu và NLTT quy mô lớn có thể sử dụng để cân bằng hệ thống như cắt giảm công suất khi cung vượt cầu. National Grid tập trung phát triển và ứng dụng công nghệ mới để ứng phó biến đổi khí hậu, thách thức bền vững. Ngành công nghiệp điện gió đóng vai trò chính trong giảm thải carbon của ngành điện ở Anh quốc và trên toàn cầu.

Ở khía cạnh khác, ông Matthew Magill, chuyên gia từ National Grid chia sẻ: Pin tích trữ năng lượng tại Anh quốc với tổng công suất là khoảng 2GW, trong đó 100 MW đáp ứng tần số nhanh, chi phí đầu tư rất cao với thời gian lưu trữ điện khoảng 1 giờ và dự kiến duy trì đến năm 2035. Quy chuẩn đặt ra là mọi đơn vị kết nối lưới đều phải có dịch vụ truyền tải và có năng lực chung về đáp ứng tần số. Nhà máy điện gió cũng phải áp dụng quy chuẩn tương tự như quy chuẩn với nhà máy điện than trước kia. Toàn bộ các nhà máy điện gió cần lắp đặt phần mềm để theo dõi chính xác chế độ đáp ứng của tuabin duy trì ở mức bao nhiêu và trong thời gian bao lâu.

Về quản lý tài sản truyền tải điện, ông Steward Whyte, chuyên gia của National Grid cho biết: Lưới điện Anh quốc đã có thay đổi nhanh chóng, từ các nguồn: than, khí, hạt nhân ở giai đoạn 8 - 10 năm trước và nay đã chuyển sang điện gió, điện mặt trời dẫn đến hình thành tài sản nhiều hơn, quản lý phức tạp hơn. 10 năm trở lại đây, National Grid đưa ra chiến lược về quản lý tài sản và tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, tuy nhiên việc duy trì phát thải ròng bằng 0 đã có nhiều thách thức về năng lực và công nghệ áp dụng. Việc sử dụng công nghệ mới, hiện đại với đường dây và trạm biến áp, cũng như khử hóa cacbon được tập trung triển khai. National Grid cũng quan tâm đầu tư, sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm giảm dò rỉ khí SF6: nâng cấp và số hóa tài sản trạm đã cho thấy kết quả giảm 50% dò rỉ SF6.

Kết thúc hội thảo, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT nhấn mạnh, thông tin chia sẻ của chuyên gia National Grid là rất quan trọng và hữu ích đối với EVNNPT. Hy vọng trong thời gian tới, EVNNPT tiếp tục nhận được hỗ trợ hơn nữa từ phía Đại sứ quán Anh và Tổng Lãnh sự Anh tại Việt Nam để có thêm các hội thảo đào tạo khác để chuyên gia National Grid và các công ty Anh quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm thực tế giúp EVNNPT đầu tư, phát triển lưới điện hiện đại, vận hành an toàn, hiệu quả, giảm phát thải, tiến tới đạt mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đề ra tại Hội nghị COP26.

Lan Anh