Năng lượng tái tạo

ĐBSCL: Cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo

Thứ năm, 25/3/2021 | 14:30 GMT+7
Trong cuộc trao đổi mới đây giữa các nhà khoa học khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với phóng viên các cơ quan báo chí, nhiều ý kiến cho rằng Quy hoạch điện VIII đã ưu tiên nhiều cho phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), tuy nhiên khu vực ĐBSCL vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Quy hoạch điện VIII đã chú trọng phát triển NLTT

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, với dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 đạt bình quân 6,6%/năm, giai đoạn 2031 – 2045 bình quân 5,7%/năm, dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỉ kWh, năm 2045 đạt 877 tỉ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,58 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,20).

Đối với chương trình phát triển nguồn điện, theo dự thảo, tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW, trong đó nhiệt điện than: 27%; nhiệt điện khí 21%; thủy điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%.

"Năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7GW (trong đó nhiệt điện than: 18%; nhiệt điện khí 24%; thủy điện 9%; điện gió, mặt trời và NLTT khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%, thủy điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%)", dự thảo nêu. Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, cần 128,3 tỉ USD để phát triển điện cho 10 năm tới. 

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ khuyến khích phát triển mạnh mẽ NLTT (ngoài thủy điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.

Dự án điện gió Bạc Liêu

Về chương trình phát triển lưới điện: Quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn của Việt Nam tại TPHCM và đồng bằng sông Hồng. Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất liên miền Bắc – Trung – Nam. 

Theo các chuyên gia, về tổng quan, so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Quy hoạch điện VIII tại mốc 2030 đã có một số thay đổi lớn: loại bỏ 5.000 MW điện than, 29.800 MW điện than còn lại được phát triển từ 2021 kéo dài tới 2045; tăng tỷ trọng đóng góp của NLTT từ 21% lên 32,5%. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu bản dự thảo Quy hoạch vẫn có một số điểm cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.

Về cơ cấu nguồn vốn trong bản dự thảo chỉ phân bổ vào danh mục đầu tư, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu. Bản dự thảo chưa phù hợp, chưa đúng với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh được đề cập trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. 

Bên cạnh đó, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than.

Cần ưu tiên phát triển bền vững NLTT cho ĐBSCL   

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ chia sẻ, bản dự thảo Quy hoạch điện VIII đã chú ý đến vấn đề môi trường, phát triển bền vững khi lần đầu tiên lượng hóa được các ô nhiễm thành tiền. Tuy nhiên, quy hoạch vẫn đang “luẩn quẩn” với tuy duy cũ về phát triển điện than. Việc tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sẽ chủ yếu sử dụng than nhập khẩu. Tại sao không phát triển các dạng năng lượng khác thay thế than, trong khi tiềm năng điện gió và điện mặt trời của Việt Nam là rất lớn. Thậm chí, Việt Nam hoàn toàn có thể nghĩ đến xuất khẩu điện chứ không phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, như trong bản dự thảo hiện nay. 

Theo bản dự thảo, ĐBSCL sẽ quy hoạch xây dựng 3 nhà máy nhiệt điện than tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng với công suất 5.000MW (Sóc Trăng 2 dự án công suất 3.000MW, Hậu Giang 1 dự án 2.000 MW) điều này sẽ gây tác hại không nhỏ đến môi trường bởi lẽ đây là khu vực chủ yếu trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

PGS. TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, việc phát triển nhiệt điện ở khu vực này đang đi ngược với Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL về biến đổi khí hậu. Ở khu vực này ngoài năng lượng mặt trời, năng lượng gió còn có thể phát triển điện sinh khối, tuy nhiên quy mô nhỏ hơn. Đặc biệt, Nghị quyết 120 ưu tiên phát triển xanh, hạn chế tối đa phát triển nhiệt điện than mới, đồng thời từng bước chuyển qua công nghệ thân thiện với môi trường.

Ông Tuấn cũng cho rằng, bản dự thảo cần có đánh giá về thách thức của biến đổi khí hậu và dịch bệnh, các tác động tới sức khỏe cộng đồng với tính khả thi của Quy hoạch điện VIII.

TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL (nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ) cũng chia sẻ, phát triển điện than làm tăng thêm rủi ro khi Việt Nam đứng trước nguy cơ phải phụ thuộc vào một số nguồn cấp vốn. Ngoài ra, việc gia tăng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu than, khí cho phát điện sẽ đặt ra nhiều rủi ro với an ninh năng lượng quốc gia. Trong khi đó, tiềm năng của NLTT lại chưa được tận dụng đúng mức (tổng công suất huy động của NLTT chỉ chiếm 4% vào năm 2030) và nguồn vốn cho loại hình năng lượng này lại khá đa dạng, từ nhiều thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, phát triển nhiệt điện than sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế ĐBSCL (nguyên Ủy viên chuyên trách, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ)

Ông Trần Hữu Hiệp cho rằng, Quy hoạch điện VIII cần phải giảm phụ thuộc vào điện than, đặc biệt trong giai đoạn 10 năm tới. Thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển NLTT, đặc biệt là điện mặt trời phân tán, điện gió, điện sinh khối tại khu vực ĐBSCL.

TS. Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, phát triển NLTT tại khu vực ĐBSCL cần tính toán nhiều đến yếu tố đặc thù của khu vực này. Hiện nay 75% sản lượng điện dùng cho nuôi trồng thủy sản, rất ít các nhà máy và còn lại là dùng cho tiêu dùng. Vì vậy, phát triển NLTT ở khu vực này mang lại lợi ích kép khi kết hợp với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi. Cần phải tăng cường nghiên cứu phát triển điện gió, điện mặt trời và có cơ chế riêng cho vùng ĐBSCL, phát triển năng lượng phải đảm bảo không phá vỡ quy hoạch về nuôi trồng thủy sản.

Theo các chuyên gia, cần sự phối hợp đồng bộ của chính quyền các địa phương, nhà khoa học, nhà đầu tư NLTT trong khu vực để đưa ra những kiến nghị sát thực hơn, kiến nghị Bộ Công Thương ưu tiên phát triển NLTT ở khu vực ĐBSCL trong Quy hoạch điện VIII, đảm bảo phát triển bền vững, tránh ô nhiễm môi trường, có tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và thủy sản vì đây là nguồn lợi xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Đăng Thái