Nông nghiệp sạch

ĐBSCL: Nghiên cứu, phát triển nhiều giống lúa hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ ba, 16/11/2021 | 12:16 GMT+7
Trước những ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sức khỏe con người, các chuyên gia khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang nỗ lực nghiên cứu phát triển các giống lúa mới phù hợp.

Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), khu vực ĐBSCL - vựa lúa của Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Theo đó, để đưa ra định hướng cho sản xuất lúa trong bối cảnh hiện nay và xác định các chiến lược canh tác trong tương lai, Viện Lúa ĐBSCL đã và đang nghiên cứu, phát triển những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

TS. Mai Nguyệt Lan, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Qua khảo nghiệm, các giống lúa mà Viện đang nghiên cứu cho thấy khả năng chịu được mặn tương đối tốt, cho năng suất đạt yêu cầu. Tại những vùng phải chịu áp lực từ sâu bệnh, Viện cũng đang nghiên cứu để cải tạo những giống lúa đã bị thoái hóa, đồng thời lai tạo loại mới có đặc tính chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Giống lúa chịu mặn. lúa hữu cơ được nghiên cứu ở khu vực ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Phương Hùng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, nhằm nâng cao giá trị hạt lúa, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Trung tâm đã nghiên cứu, lai tạo và chọn các giống lúa có đặc tính nổi trội về năng suất, chất lượng, phù hợp với điều kiện sản xuất, quan trọng nhất là thích ứng với khí hậu của địa phương.

Đến nay, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đã cho lai tạo thành công nhiều giống lúa như BLR103, BLR105, BLR203, BLR312, BLR413, BLR404… Qua sản xuất thí điểm các giống lúa tại các điểm khác nhau, mỗi giống lúa đều cho thấy điều kiện thích ứng tốt ở từng vùng sinh thái khác nhau như vùng chuyên lúa, vùng tôm lúa. Đặc biệt, có những giống lúa chịu mặn ở giai đoạn trổ chín rất tốt, phù hợp cho vùng tôm – lúa.

Ông Nguyễn Phương Hùng cho biết thêm: Hiện các giống lúa được lai tạo chịu mặn và giống lúa thơm BLR413 thích ứng với biến đổi khí hậu đang được đưa đi trồng khảo nghiệm ở các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất những giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay người dân vùng ĐBSCL cũng rất quan tâm đến việc lan tỏa những mô hình trồng lúa hữu cơ.

Theo ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu là một trong những mô hình được người nông dân hào hứng tham gia. Việc giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong quá trình sản xuất sẽ đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp khi tới tay người tiêu dùng.

Theo nongnghiep.vn