Đà Nẵng: Đẩy mạnh hợp tác trong quản lý, tái chế rác thải nhựa

Thứ tư, 29/6/2022 | 17:13 GMT+7
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà và Tổ chức iDE (International Development Enterprises) đã ký kết biên bản ghi nhớ thực hiện dự án “Xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa tại Việt Nam”.

Dự án do Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA) thông qua Tổ chức iDE tài trợ với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng được triển khai tại địa bàn 3 quận Thanh Khê, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. 

Theo đó, từ tháng 5/2021 - 4/2024, dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 750 nhân viên ở các điểm thu gom, trung chuyển hoặc đơn vị phân loại rác; 750 người thu mua, nhặt rác tăng thu nhập thông qua các mối liên kết tốt hơn với thị trường; nâng tỷ lệ thu hồi nhựa ở địa bàn dự án từ 15% hiện nay lên mức 35% nhằm tránh việc lượng rác thải nhựa này có khả năng trôi ra đại dương; một mô hình tái chế phù hợp và 125 cửa hàng thu gom rác tại thành phố Đà Nẵng.

Quản lý, tái chế rác thải nhựa một cách hiệu quả, bền vững

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, UBND các quận, huyện và các hội, đoàn thể đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai phân loại rác tại nguồn và đạt được những kết quả nhất định. Riêng trong năm 2021, có 1.453 tấn rác tái chế được thu gom và đem bán được 3,144 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn lực về kinh phí, kinh nghiệm, kỹ thuật... hỗ trợ cho các địa phương thực hiện phong trào phân loại rác tại nguồn còn hạn chế.

Các Sở, ban, ngành, quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan cũng đã xúc tiến hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các dự án hợp tác quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực rất lớn cho thành phố cả về kinh phí lẫn kỹ thuật, kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu... về quản lý chất thải rắn.

Nhân dịp này, đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng hoan nghênh những dự án xử lý rác thải khép kín chu trình, hoàn thiện công đoạn do đối tác nước ngoài hỗ trợ, nhất là các dự án huy động doanh nghiệp tham gia tiêu thụ, tái chế các loại rác tái chế, rác thải nhựa để thúc đẩy phong trào phân loại rác tại nguồn phát triển sâu rộng. Việc thực hiện dự án sẽ góp phần thúc đẩy việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải nhựa, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường tại Đà Nẵng. Đồng thời mong muốn các bên tham gia dự án có sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau để dự án đi vào hoạt động hiệu quả.

Lâm Bảo