Đà Nẵng nỗ lực trở thành thành phố môi trường

Thứ năm, 7/1/2021 | 14:54 GMT+7
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đã thành công trong việc vận động người dân phối hợp bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường, kỹ năng ứng phó biến đổi khí hậu đến cán bộ các cấp và nhân dân trên địa bàn thành phố. Đồng thời duy trì thường xuyên việc vận động nhân dân tham gia phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Chống rác thải nhựa”; thực hiện phân loại rác tại nguồn, bảo vệ nguồn nước, tiết kiệm điện, trồng cây xanh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc ma chay hiếu hỉ...

Hiện nay, thành phố có 106 khu dân cư (KDC) thực hiện mô hình điểm về “KDC tự quản bảo vệ môi trường”, “KDC thân thiện môi trường”, “KDC bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”...

Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết, trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, Ủy ban cùng ngành TN&MT các cấp, ngành, các tổ chức tôn giáo, địa phương cần tập trung thực hiện tốt chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2025.

Các tổ chức phối hợp cùng người dân tích cực dọn rác bảo vệ môi trường

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết, năm 2008 thành phố có 13 điểm nóng môi trường cùng rất nhiều vấn đề ô nhiễm trước mắt. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện Đề án Xây dựng thành phố môi trường, Đà Nẵng đạt được 7/10 tiêu chí đề ra, đây là thành quả to lớn mà nhiều cộng đồng dân cư, người dân góp phần tạo nên. Du khách khi đến thành phố đều ghi nhận Đà Nẵng là thành phố đẹp, đáng sống.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng triển khai chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 với các nội dung chính như: tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tổ chức vận động dân cư thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi ni lông khó phân hủy, thực hiện phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tiếp tục vận động cộng đồng dân cư thay đổi thói quen, tập quán để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giám sát thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Phối hợp việc giám sát việc thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm và công khai kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường.

Giám sát trách nhiệm của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, đặc biệt là các hoạt động đánh giá tác động môi trường, giám sát việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác tài nguyên trái quy định...

Tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình về sử dụng tài nguyên có hiệu quả, bảo vệ môi trường trong toàn dân, từng bước hình thành nếp sống mới hiện đại và thân thiện môi trường, như khuyến khích phát triển các sáng kiến, giải pháp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xây dựng năng lực cho thành phố để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Kim Bảo