Đảm bảo việc cấp nước sạch, ứng phó hạn hán tại Bình Thuận

Thứ sáu, 18/11/2022 | 09:22 GMT+7
Thời gian qua, thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán, giải quyết nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân địa phương.

Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, khí hậu khô hạn nhất cả nước, nhiệt độ trung bình năm cao trên 27 độ C, lượng mưa trung bình từ 1.000 - 1.600 mm/năm, chỉ bằng 1/2 lượng mưa trung bình ở Nam Bộ. Thời gian qua, Bình Thuận luôn phải hứng chịu những đợt thời tiết cực đoan, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt và nước tưới tiêu…

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cho các Sở, ban, ngành chức năng và các địa phương khẩn trương nắm bắt tình hình, rà soát cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho các gia đình đang gặp khó khăn, nhất là các hộ có nguy cơ thiếu đói do hạn hán nhằm thực hiện tốt mục tiêu “Không để dân đói, dân khát”.

Đồng thời, tỉnh cũng thành lập Ban Chỉ đạo chống hạn, nạo vét kênh mương chống thất thoát, tiết kiệm nước để đảm bảo người dân địa phương được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn.

Đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân khi bị ảnh hưởng của hạn hán

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về những tác động trước mắt cũng như lâu dài của biến đổi khí hậu; tập trung vận động người dân từng bước chuyển dịch cây trồng, ưu tiên sử dụng các loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao, thời gian sinh trưởng ngắn và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp địa hình, địa lý của từng vùng, từng xã để tăng hiệu quả cao...

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với công ty thủy lợi tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ mọi nguồn tài nguyên nước, tránh thất thoát, lãng phí; xây dựng kế hoạch sử dụng nước từ các hệ thống công trình thủy lợi, ưu tiên nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân; đặc biệt, nghiêm cấm người dân không tự ý sản xuất tại các khu vực không nằm trong trong kế hoạch sản xuất, khó bảo đảm được nguồn nước, tránh thiệt hại do thiếu nước gây ra.

Theo đánh giá, nhờ đẩy mạnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh Bình Thuận đã giảm mạnh, bình quân giảm hàng năm trên 3.300 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 1,5%. Hiện tỉnh Bình Thuận còn khoảng 6,53%, với 21.496 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Bình Thuận vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có những biến đổi bất thường, hiện tượng nắng nóng kéo dài trong mùa khô, kèm theo hạn hán liên tục đã làm ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là người dân vùng nông thôn.

Thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo, hướng tới giảm nghèo bền vững, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, trong đó tập trung vào đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức để bảo đảm giảm nghèo bền vững, nhất là tại các huyện nghèo nhất và các vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, để kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán, giải quyết nhu cầu về nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành chức năng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, xây dựng kế hoạch sản xuất từng mùa vụ cho phù hợp với khả năng nguồn nước; tổ chức quản lý, bảo vệ chặt chẽ nguồn nước trong các hệ thống công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn.

Đồng thời, Sở, ngành, địa phương cần hướng dẫn người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước hiện có; tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, các hệ thống kênh nhằm giảm thất thoát và lãng phí nước; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Theo baotainguyenmoitruong.vn