Tin hoạt động hiệp hội

Đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững

Thứ ba, 22/12/2020 | 12:32 GMT+7
Ngày 22/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam tổ chức diễn đàn “An ninh năng lượng cho phát triển bền vững”.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế; TS. Mai Duy Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam; ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; ông Trịnh Đức Duy, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; ông Hà Đăng Sơn, Phó Giám đốc Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam (USAID V-LEEP) và các đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí truyền thông.

Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power).

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc diễn đàn: “Đối với Việt Nam, đảm bảo an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị, là nền tảng đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên phát triển nhanh và bền vững đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”.

Ông Nguyễn Đức Hiển phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức, các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, yêu cầu; cơ cấu đang bị mất cân đối; áp lực về nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn...

Theo đó, tại diễn đàn, ông Hiển đưa ra 2 nhóm vấn đề lớn cần được thảo luận bao gồm: đề xuất phương pháp, cách tiếp cận phù hợp trong đánh giá mức độ bảo đảm an ninh năng lượng của Việt Nam; cần sớm có các chính sách cụ thể để thể chế hóa và cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp lớn trong Nghị quyết 55.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế, giải pháp phát triển hạ tầng điện lực trong thời gian tới đây. Cụ thể, giải pháp về pháp luật và chính sách: sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư toàn xã hội, vận hành hệ thống tích hợp nguồn năng lượng tái tạo, phát triển thị trường điện; xây dựng Luật Năng lượng tái tạo để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho việc đầu tư, vận hành năng lượng tái tạo, tạo chuỗi cung ứng...

Bộ Công Thương cũng nghiên cứu để tới đây áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án nguồn điện nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải nhằm thu hút vốn cho việc đầu tư lưới điện truyền tải lớn trong thời gian tới. Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát triển năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện (DPPA). Xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh. 

Về vấn đề khai thác và sử dụng nguyên liệu thô trong sản xuất năng lượng, bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp khí, ưu tiên phát triển điện khí, đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí tự nhiên hóa lỏng. Đảm bảo đủ năng lượng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.

Toàn cảnh diễn đàn

Bên cạnh đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả có vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững và an ninh năng lượng. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính có thể đạt được 40% tổng phát thải toàn cầu thông qua các giải pháp với chi phí nhỏ hơn 60 Euro/1 tấn CO2 tương đương. Đầu tư cho tiết kiệm năng lượng tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư với nhu cầu vốn có thể lên tới 400 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu. Tiết kiệm năng lượng góp phần giảm nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng sơ cấp và sẽ giảm phát thải các chất gây ô nhiễm môi trường sống cho người dân. Tiết kiệm năng lượng cũng sẽ làm giảm nhu cầu năng lượng của toàn xã hội, giảm áp lực đối với nguồn năng lượng quốc gia. Tiết kiệm năng lượng giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, nâng cao sự tự chủ của mỗi quốc gia. Tiết kiệm năng lượng không đem lại lợi ích kinh tế tức thời như các hoạt động đầu tư khác nhưng đem lại lợi ích kép về giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn và nhập khẩu năng lượng, có thể đáp ứng 7 mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện đang thực hiện Chính sách quốc gia về tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3) với mục tiêu: giai đoạn 2019 - 2025 đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; giai đoạn 2025 - 2030 đạt mức tiết kiệm năng lượng 8 - 10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Theo ông Tâm, để đạt được các mục tiêu này, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo cấp đủ nguồn kinh phí hoạt động của Chương trình ở Trung ương và địa phương (gắn với Khung kế hoạch hoạt động tổng thể). Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mô hình công ty dịch vụ năng lượng tương xứng với nhu cầu xã hội. Thành lập quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tạo thị trường vốn cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.

Diễn đàn đã trao đổi, thảo luận tích cực nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển bền vững

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Vy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nêu 3 xu hướng đổi mới kết hợp để tăng tính linh hoạt của hệ thống điện trong bối cảnh chuyển đổi hệ thống năng lượng của Việt Nam thành một hệ hống có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, từ đó góp phần tăng cường an ninh năng lượng. Thứ nhất là điện khí hoá các ngành sử dụng cuối: tăng sử dụng điện từ năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực sử dụng cuối (vận tải, toà nhà và công nghiệp). Ví dụ: xe điện, điện khí hoá các khâu cấp nhiệt. Thứ hai, phân cấp hệ thống điện: sự xuất hiện các nguồn năng lượng phân tán (DER) được kết nối với người sử dụng điện. Gồm: PV trên mái nhà, tuabin gió nhỏ, hệ thống lưu trữ năng lượng gia đình, bơm nhiệt và cắn điện EV. Thứ ba là số hoá ngành điện: cho phép quản lý một lượng lớn dữ liệu và tối ưu hoá các hệ thống với nhiều nguồn điện công suất nhỏ.

Ông Vy cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và các đơn vị liên quan thực hiện Đề án nghiên cứu về các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục trong điều kiện hệ thống điện có tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo biến đổi có tỷ trọng cao. Giao EVN chỉ đạo Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình lập dự án thực hiện chuyển nhà máy từ đốt than sang đốt kèm sinh khối hoặc chuyển từ đốt than sang đốt hoàn toàn bằng sinh khối. Một nhà máy điện than thực hiện thí điểm đốt kèm sinh khối, trường hợp hiệu quả sẽ mở rộng áp dụng tại các nhà máy trong Tập đoàn. Giao cơ quan có liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi sản xuất khí hydro; chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh các dự án đưa khí từ Lô B và mỏ Cá Voi Xanh vào bờ...

Tâm Hương