Kinh tế xanh

Đánh giá về chiến lược phát triển và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Thứ sáu, 15/7/2022 | 00:17 GMT+7
Ngân hàng Thế giới (WB) đã vừa công bố Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam (CCDR), đề xuất chuyển đổi mô hình phát triển bằng cách xây dựng khả năng chống chịu và carbon thấp.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, kết quả chuyển đổi kinh tế của đất nước sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả quản lý nguồn vốn tự nhiên – trữ lượng lớn các nguồn tài nguyên nông nghiệp, rừng và khoáng sản, từng bước thúc đẩy quá trình phát triển tại Việt Nam.

Tuy nhiên, với hơn 3.200km đường bờ biển, nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Các tác động của biến đổi khí hậu đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế và đà tăng trưởng. Tính toán ban đầu cho thấy, Việt Nam mất 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP do tác động của biến đổi khí hậu.

Ước tính, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12 - 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, khoảng một triệu người gặp tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Do đó, để giúp Việt Nam xây dựng chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai, báo cáo CCDR đưa ra các giải pháp và phương án cho cả khu vực nhà nước và tư nhân, đặc biệt là trong nâng cao khả năng thích ứng với khí hậu, hoàn thành cam kết về mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đảm bảo một quá trình chuyển dịch công bằng để hỗ trợ các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với khí hậu.

Các chuyên gia thảo luận về quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và chống chịu với khí hậu tại Lễ công bố Báo cáo CCDR

WB dự tính, để thực hiện lộ trình phát triển thích ứng với khí hậu và phát thải ròng bằng “0”, Việt Nam sẽ cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP, tương đương 368 tỷ USD, từ nay đến năm 2040. Nếu có các chính sách và chiến lược phù hợp, Việt Nam có thể tận dụng những hoạt động khử carbon của mình để đạt được mục tiêu phát triển, sao cho phát thải ròng bằng “0” nhưng không làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP.

Để Việt Nam đạt được mục tiêu trên, báo cáo CCDR khuyến nghị, cần chuyển đổi nhưng phải bảo vệ được tài sản, cơ sở hạ tầng và con người của đất nước. Trong đó, các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại, công nghiệp, các vùng ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

Bao gồm: mở rộng mạng lưới an sinh xã hội thích ứng để nâng cao hiệu quả hỗ trợ sau thiên tai; bảo vệ các bộ phận cư dân dễ bị tổn thương nhất trước sự gia tăng giá cả trong giao thông và năng lượng do quá trình chuyển đổi năng lượng và sử dụng các công cụ định giá carbon; đầu tư vào các chương trình phát triển kỹ năng để hỗ trợ người lao động; cải cách đào tạo giáo dục về ngành công nghiệp xanh. Các cải cách chính sách bổ trợ trong lĩnh vực tài khóa và tài chính cần kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân.

Về lộ trình khử carbon, các khoản đầu tư sẽ cần được hỗ trợ bởi công cụ định giá carbon. Công cụ này sẽ thay đổi hành vi và giúp huy động vốn cho quá trình chuyển đổi. Các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” mà không làm chậm tốc độ tăng trưởng GDP.

Trước mắt, Việt Nam có thể phát động Chương trình giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội nhằm đạt được mục tiêu tạm thời của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2030. Trong đó, nâng cao chất lượng không khí ở Hà Nội; giảm phụ thuộc vào than; khuyến khích nông dân sử dụng ít nguyên liệu đầu vào gây ô nhiễm; cải thiện hệ thống giao thông công cộng.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, với việc triển khai năng lượng tái tạo; đưa ra các hợp đồng mua bán điện có khả năng thanh toán qua ngân hàng; đảm bảo đầu tư năng lực điện lưới; đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng; khuyến khích các nguồn năng lượng carbon thấp; liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước  trong tiêu thụ năng lượng carbon thấp.

Để đáp ứng nhu cầu vốn, cần phân bổ tiết kiệm, hợp lý từ khu vực tư nhân trong nước đến các dự án liên quan đến khí hậu, tăng tiết kiệm từ khu vực công và huy động hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Đầu tư công có thể chiếm khoảng một phần ba tổng vốn đầu tư và có thể được tài trợ thông qua thuế carbon hoặc vay trên thị trường trong nước.

Ông Alfonso Garcia Mora, Phó Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC nhấn mạnh tại buổi làm việc, với mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng “0” trong 30 năm tới, Việt Nam cần phải huy động một lượng lớn vốn tư nhân. Để làm được điều này, Việt Nam phải thiết kế và thực hiện các chính sách và cải cách đúng đắn.

Đại diện IFC cũng nhận định: Xanh hóa lĩnh vực tài chính, thúc đẩy các dự án tăng trưởng xanh trên nhiều lĩnh vực và ban hành quy trình thủ tục minh bạch, dễ đoán cho các dự án năng lượng là một ưu tiên rõ ràng.

Thanh Bảo