Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành nước

Thứ tư, 10/2/2021 | 00:25 GMT+7
Hiện nay, đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong ngành nước sạch là yêu cầu, nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Các đô thị Việt Nam hiện có khoảng 750 nhà máy nước với tổng công suất trung bình đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày, tỷ lệ thất thoát, thất thu khoảng 19% (giảm 11% so với năm 2010), tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 88% (tăng 2% so với năm 2018).

Trong số các hệ thống cấp nước này, có nhiều hệ thống đang áp dụng công nghệ thông tin, các giải pháp khoa học và công nghệ (KH&CN) tiên tiến trong quản lý vận hành, ở các mức độ khác nhau. Tại một số địa phương, quản lý hệ thống cấp nước đã ứng dụng tích hợp các công nghệ bản đồ số GIS, công nghệ di động, công nghệ điện toán đám mây, tích hợp thành hệ thống toàn diện quản lý cho các doanh nghiệp cấp nước.

Cũng có nhiều hệ thống cấp nước đã bố trí, lắp đặt hệ thống điều khiển trung tâm, hệ thống giám sát chất lượng nước tự động; sử dụng thiết bị biến tần, điều khiển trung tâm, để tăng cường hiệu quả và tiết kiệm điện năng, giảm chi phí nhân công… như ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Vũng Tàu... Một số đơn vị cấp nước đầu tư cho phần mềm quản lý tài sản, thiết bị giám sát chất lượng và áp lực nước, điều khiển van phân vùng cấp nước, thông qua các chương trình, dự án chống thất thoát, thất thu nước sạch của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hoặc từ nguồn ngân sách hỗ trợ. Các biện pháp này đã góp phần giảm rõ rệt tỷ lệ thất thoát nước ở Bà Rịa - Vũng Tàu (còn dưới 10%), TPHCM (19,2%), Hải Phòng (dưới 15%), Hải Dương (dưới 12%). 

Nhiều công ty cấp nước đã nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, đưa vào sử dụng các thiết bị mới, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và kinh doanh, như công nghệ biến tần và khởi động mềm cho các tổ máy bơm, công nghệ lắng lamen, công nghệ đan lọc HDPE trọng lực, công nghệ xử lý chất hữu cơ và khử trùng bằng ozon, hệ thống điều khiển SCADA, công nghệ định lượng hóa chất tự động điều chỉnh theo chất lượng nước thô, công nghệ xử lý bùn cơ học, công nghệ xử lý để thu hồi nước rửa lọc…

Mô đun làm ngọt nước biển công nghệ RO tại đảo Cát Bà, Hải Phòng

Nhìn chung, công nghệ xử lý nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải, tập trung ở các đô thị, khu công nghiệp Việt Nam, phát triển khá nhanh và theo sát xu thế của thế giới. Hầu hết các nhà máy xử lý nước thải đều áp dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại, cho phép đạt chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn, chi phí hợp lý. Một số doanh nghiệp thoát nước đã áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại trong xây dựng và quản lý mạng lưới như công nghệ thi công khoan kích ống ngầm, công nghệ nạo vét cống bằng cơ giới, công nghệ CCTV giám sát cống thoát nước, tin học hóa công tác quản lý tài sản…

Trong thời gian tới, giai đoạn 2021 – 2025, các công ty cấp, thoát nước cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp cấp thoát nước (quản lý khách hàng, quản lý tài sản, chống thất thoát, cảnh báo sớm rủi ro, chống úng ngập, tối ưu hóa vận hành và bảo dưỡng…), xây dựng lộ trình và từng bước triển khai áp dụng hệ thống nước thông minh, kết nối với các thành phần hạ tầng đô thị thông minh.

Tiến hành lắp đặt SCADA cho phép giám sát, điều hành mạng lưới cấp nước, thoát nước và kết nối với trung tâm điều hành; tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; chuyển từ đồng hồ cơ sang đồng hồ điện tử, lắp đặt các thiết bị đo có tính năng truyền dữ liệu; lắp đặt các van giảm áp thông minh. Số hóa công tác ghi thu, tích hợp hóa đơn điện tử, kết nối với khách hàng qua internet, kết nối với trung tâm chi phí (Cost center).

Đồng thời, lắp đặt hệ thống ghi nhận dữ liệu từ xa, xử lý thông tin và ra mệnh lệnh kiểm soát. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số, kết nối các hợp phần rời rạc thành một hệ thống chung, có khả năng thu thập dữ liệu, xử lý thông tin, điều hành, dự báo và cảnh báo sớm, đánh giá, tối ưu hóa một cách đồng bộ.

Khả Di