Tây Nguyên có trạm quan trắc tài nguyên nước tự động đầu tiên

Thứ hai, 25/1/2021 | 15:20 GMT+7
Mới đây, dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công tại Việt Nam đã hoàn thành xây mới 8 trạm thủy văn, 3 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt và nâng cấp 6 trạm thủy văn, 12 trạm khí tượng tự động cho khu vực Tây Nguyên, góp phần hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước của khu vực.

Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện ở khu vực Tây Nguyên trên sông Sê San và sông Srê-pốk.

Theo Quyết định số 90/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cả nước có 56 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trên cả nước, trong đó lưu vực sông Mê Công tại Tây Nguyên có 08 trạm nằm trên sông Sê San, Srê-pốk và các sông nhánh của hai con sông này. Tuy nhiên, đến năm 2020, trên cả nước mới chỉ có 15 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt đã đi vào hoạt động và chỉ có duy nhất 01 trạm tại Tây Nguyên.

Đến nay dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Công tại Việt Nam đã hoàn thành xây mới 8 trạm thủy văn, 3 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt, nâng cấp 6 trạm thủy văn, 12 trạm khí tượng tự động cho khu vực Tây Nguyên, góp phần hoàn thiện mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước của khu vực.

Trạm quan trắc tài nguyên nước IaHleo trên sông IaHleo

Đặc biệt, các trạm quan trắc tài nguyên nước được dự án đầu tư gồm trạm ĐắkPlô, IaHleo, IaĐrăng là các trạm quan trắc tài nguyên nước tự động đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Các trạm quan trắc tài nguyên nước này đều là các trạm nằm sát biên giới (trạm YaHleo và IaĐrăng nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia; trạm ĐắkPlô nằm sát biên giới Việt Nam – Lào) nhằm quan trắc số lượng nước và chất lượng nước xuyên biên giới.

Các trạm quan trắc tài nguyên nước tự động này sẽ thực hiện những nhiệm vụ như: thu thập thông tin số liệu để nâng cấp cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và môi trường lưu vực sông Sê San-Srêpốk; theo dõi, giám sát và dự báo tài nguyên nước để phục vụ công tác chuẩn bị Bản tin hàng tháng về diễn biến và dự báo tài nguyên nước tới đồng bằng sông Cửu Long; báo cáo diễn biến tài nguyên nước tới đồng bằng sông Cửu Long theo mùa; theo dõi vận hành các công trình khai thác sử dụng tài nguyên nước thượng nguồn Mê Công và các công trình phòng chống lũ hạn lưu vực sông Cửu Long, các công trình thủy điện lưu vực sông Sê San và Srê-pốk; phục vụ hoạt động đánh giá tác động xuyên biên giới, trong đó đánh giá tác động của các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên nước qua Campuchia.

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: “Số liệu quan trắc tự động từ các trạm quan trắc tài nguyên nước tự động cùng với bộ mô hình toán lưu vực sông Sê San và Srê-pốk sẽ là cơ sở đáng tin cậy để Tiểu ban lưu vực sông Sê San – Srêpốk nói riêng và Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nói chung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mới của tổ chức lưu vực sông của mình và kịp thời tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong đưa ra các quyết sách liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê Công”.

Huyền Dung