Nông nghiệp sạch

Nhiều địa phương gia tăng chuyển đổi số và phát triển sản phẩm OCOP

Thứ sáu, 4/3/2022 | 15:15 GMT+7
Hưởng ứng định hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nhiều địa phương đã cơ cấu lại nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển sản phẩm nội sinh và gia tăng ứng dụng công nghệ số.

Hiện cả nước có 4.469 sản phẩm sản phẩm đạt chứng nhận chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên, đến từ 59 tỉnh, thành phố, vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2018 - 2020. Theo đánh giá của các địa phương, 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%. Với lợi ích lớn từ việc nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản trên, cả nước phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Là một trong những tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, Vĩnh Long đã sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nhờ tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được xem là “vương quốc khoai lang” của khu vực, bên cạnh việc xuất khẩu sang Trung Quốc, huyện còn nghiên cứu chế biến nhiều dòng bánh khác nhau từ khoai lang để tăng thêm giá trị cho nông sản. Đến nay hai sản phẩm bánh phồng khoai lang thuần chay và bánh quy khoai lang sản xuất trong huyện đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Tăng giá trị cho nông sản nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho biết: “Vĩnh Long có khoảng 35 ngành hàng thuộc nhóm sản phẩm OCOP; việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo các thứ hạng từ 3 đến 4 sao sẽ tạo điều kiện phát triển sản phẩm theo chiều hướng thích hợp. Qua hơn hai năm, chương trình đã vận động 37 đơn vị kinh tế tham gia, tổ chức đánh giá, phân hạng 49 sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm này được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước”.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có sản phẩm OCOP. Một trong những giải pháp đang được nhiều tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần nâng cao giá trị nông sản là thúc đẩy chuyển đổi số.

Tại tỉnh Trà Vinh, nhiều công ty, doanh nghiệp đã chuyển sang bán hàng online thông qua việc thành lập hội, nhóm trên mạng xã hội. Với hình thức bán hàng mới, các cơ sở từng bước thích nghi và đã có cách thức marketing phù hợp trên nền tảng số. Nhờ ứng dụng tốt công nghệ nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã đến tay khách hàng, tính riêng Công ty TNHH Trà Vinh Farm-SokFarm (huyện Tiểu Cần) đã có mặt tại 20 tỉnh, thành phố thông qua hơn 40 đại lý. Với nguồn cung có sẵn là cây dừa đặc sản, cùng với sự đón nhận của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm chủ lực của SokFarm đã được chứng nhận OCOP như hạt ca cao sấy mật hoa dừa (3 sao), đường hoa dừa, nước uống mật hoa dừa (4 sao) và sản phẩm mật hoa dừa cô đặc đã hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung ương để công nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh Lâm Hữu Phúc cho biết: Năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 vừa xuất hiện, dự án SME Trà Vinh đã kịp thời hỗ trợ trực tiếp cho 10 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh xây dựng website để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và bước đầu tiếp cận bán hàng qua hình thức trực tuyến. Dự án còn tập huấn cho doanh nghiệp cách quản lý website chủ động quảng bá hình ảnh của mình và làm quen với việc mua bán hàng hóa qua mạng. Trong năm 2022, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn hóa hình ảnh, video, thông tin sản phẩm, chạy quảng cáo… Dự kiến khoảng 20 doanh nghiệp và 100 sản phẩm được hỗ trợ.

Ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ, phân phối nông sản địa phương

Tỉnh Vĩnh Long cũng đang hỗ trợ xây dựng, ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy ngành nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển website, marketing bán hàng, tham gia sàn thương mại điện tử cho hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp…

Theo cơ sở sản xuất trà Trường Ái ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, việc xây dựng trang web riêng đã tạo được niềm tin của khách hàng đối với cơ sở. 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao của cơ sở phần lớn được bán qua sàn thương mại điện tử của tỉnh, các nền tảng Zalo, Facebook.

Thời gian qua, thành phố Cần Thơ cũng rất nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp. Sở NN&PTNT thành phố đã phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng một sàn giao dịch thương mại điện tử trực tuyến, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm nhưng sàn đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người nông dân.

Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Sở NN&PTNT thành phố Cần Thơ khẳng định, các sản phẩm được cập nhật lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng sản phẩm được chứng nhận bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, sản phẩm được cấp mã QR để truy xuất nguồn gốc rất dễ dàng.

Mỹ Dung (T/H)