Nông nghiệp sạch

Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Thứ hai, 7/3/2022 | 15:39 GMT+7
Ngày 6/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, thời gian qua ở ĐBSCL những mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, thuận thiên đã xuất hiện ở nhiều địa phương. Mô hình kinh tế dưới tán rừng, mô hình tôm - lúa ở bán đảo Cà Mau, mô hình chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh đã tăng thu nhập cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên; mô hình sản xuất thích ứng với hạn mặn ở các tỉnh duyên hải; chương trình Mỗi xã, phường một sản phẩm được các địa phương chú trọng, đã kết hợp tinh tế tài nguyên bản địa với giá trị văn hoá địa phương.

Liên kết vùng ĐBSCL không phải là phép tính cộng về dân số, về diện tích, về nguồn lực hữu hình của 13 tỉnh, thành phố mà là độ mở, kết nối về tư duy, kết nối các nguồn lực vô hình, vô hạn, tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa nhà nước – thị trường – xã hội, kiếm tìm xung lực mới, khởi tạo không gian phát triển mới.

Theo Bộ trưởng, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải liên kết, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và thúc đẩy hợp tác vì một khu vực phát triển bền vững. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, địa giới hành chính có thể bị chia cắt nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Do đó, đã đến lúc đồng bằng cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn, để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này.

Phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với sinh thái, bền vững

Phát biểu chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Trong đó, ĐBSCL đóng góp lớn vào GDP nông nghiệp cả nước, chiếm 31,3% GDP ngành nông nghiệp; đóng góp tới 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% về trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu...

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức lớn của khu vực như: việc chuyển đổi tư duy sản xuất còn chậm; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ vẫn là chủ lực; giá trị sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào tăng diện tích canh tác, tăng vụ; sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, thị trường tiêu thụ; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa chặt chẽ, thiếu bền vững...

Theo đó, Thủ tướng đề nghị vùng ĐBSCL phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, chân trời, cửa biển của mình; lấy nguồn lực bên trong (con người, tài nguyên thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (nguồn vốn, quản trị, công nghệ...) là quan trọng, đột phá. Đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công tư; huy động, kích hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư, phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, có trọng tâm, trọng điểm.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ĐBSCL phải thực hiện 4 tốt trong quy hoạch là: quy hoạch tốt, dự án tốt, nhà đầu tư tốt, sản phẩm tốt. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, đầu tư khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp...

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phải theo hướng quản trị hiện đại, đi từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp; đẩy mạnh liên kết vùng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng kết luận: "ĐBSCL phải là một thực thể, 13 tỉnh, thành không thể rời rạc mà phải bổ sung cho nhau, cùng nhau liên kết. Sản xuất phải gắn với thị trường. Chúng ta phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông nghiệp muốn phát triển được thì phải có công nghiệp chế biến, dịch vụ đi kèm".

Mộc Trà (T/H)