Năng lượng gió

Điện gió – chìa khóa để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững

Thứ tư, 1/12/2021 | 12:57 GMT+7
Trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, điện gió đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu phát triển xanh, bền vững đã đề ra.

Ngày 1/12, Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam - Vietnam Wind Power 2021 được khai mạc tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phối hợp cùng Informa Markets, dưới sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ năng lượng Bộ Công Thương (GIZ) - Đức, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy, Cơ quan Xúc tiến Thương mại – Đầu tư Na Uy (Innovation Norway) và Đại sứ quán Vương quốc Anh. Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức cho sự kiện.

Sự kiện diễn ra vào ngày 1 và 2/12, trong khuôn khổ của Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam 2021

Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam 2021 được xem là một sự kiện đúng thời điểm trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy những chiến lược phát triển bền vững nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải, đặc biệt sau khi Việt Nam ký “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Glasgow, Vương quốc Anh. 

Trong lần tổ chức thứ 4, Hội nghị Vietnam Wind Power 2021 tiếp tục cung cấp các thông tin mới nhất về bức tranh năng lượng toàn cầu, tầm quan trọng của chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành năng lượng điện gió tại Việt Nam và Đông Nam Á trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho biết, năm 2021 là một năm đáng nhớ với ngành điện gió Việt Nam. Đến cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam đã đạt gần 4GW công suất lắp đặt điện gió trên bờ. Đáng chú ý, tại Hội nghị COP 26 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ có những nỗ lực để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào 2050... Đây là những tín hiệu lạc quan cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Việt Nam.

Hàng loạt các cơ chế chính sách ưu đãi của Đảng và Chính phủ trong thời gian qua đã tạo cơ sở pháp lý cơ bản cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng tại Việt Nam. Hiện tại, với lộ trình phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ tiếp tục thể hiện vai trò đi đầu tại khu vực trong lĩnh vực này. Ông Ben Backwell bày tỏ tin tưởng rằng, trong tương lai, với cơ chế đấu thầu dự án điện gió đang được các cơ quan liên quan của Việt Nam xây dựng, điện gió sẽ tiếp tục phát triển với tính cạnh tranh hơn và Việt Nam sẽ có làn sóng phát triển điện gió thứ hai với cả điện gió trên bờ và ngoài khơi. Cùng với đó, các công nghệ quản lý năng lượng sẽ giúp điện gió giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành GWEC cho rằng, trong quá trình chuyển dịch sang năng lượng xanh trên toàn cầu, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì vị trí đi đầu trong lĩnh vực cung ứng các dịch vụ cho ngành điện gió... Vì thế, đây là thời điểm quan trọng để thúc đẩy chuyển giao công nghệ năng lượng, giúp ngành năng lượng gió của Việt Nam phát triển, góp phần vào việc thực hiện các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam

Bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh tại hội nghị: “Trong quá trình chuyển đổi năng lượng từ điện than sang năng lượng tái tạo, điện gió đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra với chúng ta không chỉ nằm ở chính sách mà cốt lõi nằm ở công nghệ. Công nghệ không chỉ giúp giải bài toán tổng thể từ khâu sản xuất, lắp đặt, vận hành, giám sát, truyền tải, phân phối đến các vấn đề tối ưu hóa hiệu năng lưu trữ năng lượng, kéo dài tuổi thọ của thiết bị hay xử lý, tái chế rác thải công nghệ mà còn có khả tạo ra những mô hình mới, hướng đi mới cho ngành năng lượng nói riêng và các ngành khác nói chung”.

Cũng tại hội nghị, đại diện từ Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy và Đại sứ quán Vương quốc Anh đưa ra những cam kết mạnh mẽ về việc hỗ trợ phát triển ngành điện gió Việt Nam, qua đó giúp Việt Nam thực hiện những cam kết bảo vệ môi trường của mình, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững hơn và xanh hơn.

Hội nghị Năng lượng gió Việt Nam 2021 sẽ bao gồm nhiều phiên thảo luận, trao đổi giữa đại diện cơ quan quản lý, nhà nước, chuyên gia, các tổ chức quốc tế, đơn vị sở hữu công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng gió tại Việt Nam.

Cẩm Hạnh