Dự báo toàn cầu về chính sách khí hậu tăng cường

Thứ ba, 19/10/2021 | 16:33 GMT+7
Ngày 18/10, Tổ chức Các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI) do Liên Hợp Quốc hỗ trợ công bố dự báo toàn cầu mới về chính sách khí hậu tăng cường trước năm 2025.

Theo dự báo, việc đạt được mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris nhằm kiềm chế sự nóng lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C là có thể thực hiện được nếu các nhà hoạch định chính sách xây dựng những kế hoạch phi carbon hóa quốc gia hiện tại với hành động chính sách quan trọng nhưng thực tế.

Kịch bản chính sách dự báo toàn cầu của IPR (FPS) cho biết, việc giảm phát thải được thúc đẩy bởi việc thực thi các chính sách mạnh mẽ trong thập kỷ này đối với hệ thống năng lượng và quan trọng là thực phẩm, đất đai: phát thải ngành năng lượng giảm 75%, từ khoảng 34 Gt (Gigatonne) CO2 vào năm 2020 xuống còn khoảng 9 GtCO2 vào năm 2050; phát thải trong lĩnh vực đất đai giảm 125%, từ khoảng 6 GtCO2 vào năm 2020 xuống còn khoảng -1 GtCO2 mỗi năm vào năm 2050, khiến đất đai trở thành một bể chứa CO2 ròng.

Để tăng cường vận động chính sách trên toàn thế giới và giúp chuẩn bị cho cam kết trị giá 90.000 tỷ USD của các ngân hàng và nhà đầu tư nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Chương trình Ứng phó chính sách không thể thay đổi (IPR) đã phát triển kịch bản chính sách bắt buộc 1,5 độ C (RPS) mới.

Kịch bản 1,5 độ C RPS mới có thể so sánh với kịch bản phát thải ròng bằng 0 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhưng bằng cách phân tích sâu hơn hệ thống lương thực và đất đai. Kịch bản này cung cấp lộ trình chính sách đầu tiên cần thiết cho cả hệ thống năng lượng và sử dụng đất để giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C.

Giảm sự nóng lên của trái đất không chỉ dựa trên lĩnh vực năng lượng mà còn liên quan đến quỹ đất và lương thực

Trong FPS, giá carbon tăng đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi nền kinh tế. Theo đó, để thúc đẩy mục tiêu 1,5 độ C, Chính phủ các quốc gia sẽ cần theo đuổi hành động chính sách ngay lập tức can thiệp trực tiếp vào thị trường để thiết lập các tiêu chuẩn hiệu suất, bao gồm những lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm thúc đẩy một bước thay đổi trong hệ thống năng lượng: loại bỏ ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới ở hầu hết các thị trường vào năm 2040; chuyển đổi sang nguồn điện sạch 100% trên toàn cầu vào năm 2045; loại bỏ than ở hầu hết các nền kinh tế phát triển vào năm 2035.

Bên cạnh đó, thúc đẩy sự can thiệp mạnh mẽ hơn của Chính phủ vào hệ thống lương thực, tích hợp hơn nữa giá carbon trong nông nghiệp; trợ cấp cho việc phát triển sản xuất các loại thịt có nguồn gốc từ thực vật và thịt nhân tạo; thực hiện các chương trình giáo dục lớn để thúc đẩy sự thay đổi của người tiêu dùng đồng thời hạn chế trực tiếp việc tiêu thụ protein động vật.

Mặt khác, mục tiêu 1,5 độ C cũng đòi hỏi sự thay đổi nhanh chóng ở cấp độ toàn cầu. Phân tích của RPS nhấn mạnh rằng, việc tăng tốc thực thi chính sách ở các quốc gia đang phát triển sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều này củng cố tầm quan trọng của việc tăng cường cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu cho các quốc gia đang phát triển và đầu tư vào chuyển đổi sử dụng đất, năng lượng ở các quốc gia này từ cả khu vực công - tư trong những năm tới.

Mộc Trà (T/H)