Đưa môi trường trở thành một lĩnh vực kinh tế mới trong quá trình chuyển đổi xanh

Chủ nhật, 23/7/2023 | 10:48 GMT+7
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Nhấn mạnh tại phiên họp, Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 24-NQ/TW là cơ sở chính trị hết sức quan trọng, bao quát tất cả nội dung liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, với nhiều nhóm chỉ tiêu lồng ghép với nhau. Vì vậy, trong quá trình tổng kết đánh giá việc triển khai Nghị quyết, các thành viên Ban Chỉ đạo cần nêu rõ những định hướng lớn đối với việc xây dựng báo cáo tổng kết, sản phẩm sau tổng kết.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mục đích của công tác tổng kết là đánh giá, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW dựa trên các chỉ tiêu, mục tiêu, giải pháp, chương trình hành động, kết quả triển khai cụ thể, nhất là tác động đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, giao thông… vì vậy, báo cáo tổng két phải nêu đầy đủ toàn diện những kết quả đã đạt được của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở so sánh chỉ số, thứ hạng theo xếp hạng quốc tế về môi trường, chuyển đổi năng lượng tái tạo… cũng như chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ góc độ Nghị quyết, tư duy, quan điểm, tầm nhìn đến khâu tổ chức triển khai thực hiện.

Thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, trong bối cảnh phát triển mới, đã và đang nổi lên một số vấn đề cần được xem xét, chỉnh sửa, bổ sung trong quan điểm ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Cụ thể: phát triển kinh tế tuần hoàn; hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; vai trò trung tâm của doanh nghiệp và người dân; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên…

Đến nay đã có 2/2 ban Đảng, 17/17 Bộ; 7/7 cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; 5/5 tổ chức chính trị - xã hội; 59/63 địa phương gửi báo cáo tổng kết Nghị quyết; đồng thời tiếp tục xây dựng báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW chi tiết như tổ chức các hội thảo chuyên đề về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; làm việc với một số tỉnh ủy, thành ủy về tình hình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW và kết hợp với tổ chức hội thảo vùng Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ; các khâu lấy ý kiến cơ quan có thẩm quyền, Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, nhà khoa học để tiếp thu, giải trình, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cùng đánh giá cao sự chủ động của Bộ TN&MT trong công tác chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW một cách bài bản, kỹ lưỡng; trao đổi về những nội dung còn nguyên giá trị, những quan điểm, mục tiêu mới đặt ra trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, nhất là khi thế giới đang đứng trước xu hướng, mô hình phát triển mới.

Về hội thảo lấy ý kiến các vùng, một số địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị xây dựng đề cương chi tiết những vấn đề lớn cần trao đổi với các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học. Tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần phối hợp với các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về các lĩnh vực có liên quan.

Đánh giá cao tinh thần chủ động của Bộ TN&MT trong xây dựng đề cương, hướng dẫn, kế hoạch tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng khi tổ chức lấy ý kiến của các địa phương, các vùng trong quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW.

Trong đó, việc tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các địa phương, vùng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học… phải có đề cương chi tiết về mục tiêu, thành phần tham dự, dự kiến kết quả đạt được. Căn cứ vào nội dung của từng hội thảo, hội nghị có thể phân công Bộ, ngành chủ trì theo chuyên môn, lĩnh vực quản lý như khoa học công nghệ, doanh nghiệp, nguồn nhân lực, giáo dục…

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn đề nghị Ban Chỉ đạo bám sát kế hoạch tổng kết, đúng các mốc thời gian đặt ra để sớm trình cấp thẩm quyền xem xét, thảo luận kỹ. Lưu ý, phương pháp tổng kết phải hết sức khoa học, lắng nghe từ cơ sở, các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học; không dừng lại ở nội dung Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động mà cần mở rộng đánh giá trên cơ sở những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu… Bên cạnh đó, tài liệu, số liệu tổng kết phải cập nhật những nội dung mới nhất như cam kết thực hiện giảm phát thải ròng bằng 0, Quy hoạch điện VIII, phát triển năng lượng tái tạo… đồng thời có dự báo dài hạn xu hướng trong nước, thế giới.

Cuối buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gợi mở, thế giới đang đứng trước thời khắc lịch sử chuyển đổi mô hình phát triển dựa vào tài nguyên sang kinh tế tri thức, kinh tế carbon thấp, cùng với 2 xu thế lớn là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Do đó, quá trình tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới về mặt lý luận, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; đưa môi trường trở thành một lĩnh vực kinh tế mới trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh.

Huyền Dung (T/H)